Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 05/02/2018 17:58 PM 
Chùa Bằng: Ngày tu an lạc tháng cuối cùng của năm Đinh Dậu
Ngày 4 tháng 2 năm 2018, nhằm ngày 19 tháng 12 năm Đinh Dậu, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai cuối cùng của năm Đinh Dậu.
Đúng 7h30' sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ niêm hương bạch Phật và đăng đàn truyền giới cho hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày hôm nay. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau đó, Hòa thượng đã ban bố thời pháp thoại tới toàn thể đại chúng, nói về một số tập quán của người Việt, thời tiết, khí hậu và những lời Phật dạy về vấn đề này. 
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng chia sẻ "Đất nước Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, 1 năm có đầy đủ 4 mùa. Đặc biệt, ở miền Bắc, 4 mùa rõ rệt – Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi mùa kéo dài 3 tháng. Mỗi mùa có 2 ngày đặc biệt là ngày đầu – ngày “Lập …” và ngày “Giữa”. Hôm nay, ngày 19/12 là ngày lập xuân, nghĩa là mùa Đông năm Đinh Dậu, chuyển giao, tiếp nhận vào mùa Xuân của năm Mậu Tuất. Ngày giữa mùa Xuân gọi là Xuân phân. Ngày đầu, ngày giữa của mùa Hè, mùa Thu, mùa Đông lần lượt là ngày lập Hạ, ngày Hạ Chí, ngày lập Thu, ngày Thu phân, ngày lập Đông và ngày Đông chí. Như vậy, ta hay có câu “Bốn mùa, tám tiết” chỉ cho 4 mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông và 8 tiết là 8 ngày lập Xuân, Xuân phân, lập Hạ, Hạ chí, lập Thu, Thu phân, lập Đông và Đông chí.
Ở Việt Nam hiện nay, vẫn dùng 2 loại lịch. Lịch âm hay lịch nông nghiệp, lịch mặt trăng dùng cho các nghi lễ truyền thồng của dân tộc hoặc trong tôn giáo. Các công sở, cơ quan và 1 số tôn giáo khác dùng lịch dương hay còn gọi là lịch mặt trời. Lịch mặt trời ít thay đổi hơn. Năm nào nhuận, ngày lập Xuân vào 4/2, còn năm không nhuận, lập Xuân vào ngày 5/2. Các tiết trời trong năm, tính theo lịch dương sẽ chính xác hơn. Còn lịch âm phần nhuận sẽ có sự khác biệt. Như năm nay, năm Đinh Dậu nhuận 2 tháng 6 nên lập Xuân vào trước khi sang năm mới. Khi trời đất chuyển giao từ mùa Đông sang mùa Xuân, người ta gọi là “giao thời”. Tuy nhiên sau nay, chữ “thời” bị phạm húy của các vị vua chúa nên đổi thành chữ “Thừa”. Giờ đây ta hay gọi là “Giao thừa”. Ngày hôm nay, trước 5h sáng là mùa Đông của năm Đinh Dậu, sau 5h sáng là mùa Xuân của năm Mậu Tuất. Từ tiết Đông chuyển sang tiết Xuân gọi là Tết. Vậy nên nếu đúng theo đất trời, hôm nay là ngày Tết, và lúc 5h sáng chính là lúc giao thừa"
Người dân của nước ta là những cư dân nông nghiệp do đó luôn luôn chịu ảnh hưởng của thời tiết và khí hậu. Những khuyến cáo về thời khắc cấy trồng trong lịch thời vụ mà nhà nước khuyến cáo bà con nông dân cũng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và thiên nhiên. Người xưa đã có câu:
“Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”
Phụ thuộc vào thiên nhiên nên con người luôn mong chờ sự hộ trì của những thế lực siêu nhiên. Từ sự gia trì đó, con người mong muốn sẽ được làm ăn tốt, sức khỏe và may mắn trong cuộc sống. Từ đó bắt đầu xuất phát ra các tín ngưỡng thờ phụng, mong cho lúa tốt màu tươi. Họ nghĩ rằng có 1 vị thần nào đó ban cho hạt thóc, rồi từ hạt thóc đó cấy trồng lên đuọc mùa màng bội thu, thần đó gọi là Thần Nông. Trong nông nghiệp, có câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” . Từ hạt giống tốt, phải có nước để cấy trồng, có phân để chăm bón và sự siêng năng, chuyên cần của người nông dân kết hợp lại với nhau. Do đó, người ta cầu cả các vị thần ban nước ở sông – vị thần Hà Bá, mong cầu Thần mưa (Thần Vũ) ban trời mưa. Trước những cơn mưa lớn có mây đen, sấm sét nên khi cầu thần Mưa, người ta cũng cầu thêm thần Mây kéo về, thần Sấm, thấn Sét nổi lên để gọi thần Mưa đến. Vì phụ thuộc vào thiên nhiên như vậy, con người luôn luôn hướng vào những thế lực siêu nhiên và hình thành một tín ngưỡng dân gian độc đáo.
Chùa Bằng, nằm trên địa phận Khu dân cư Bằng A, thuộc phường Hoàng Liệt, vị Đức thánh Bảo Ninh Vương là vị thành hoàng bảo vệ cho người dân nơi đây, sự tích của ngài là đặc trưng, gắn liền với nền nông nghiệp của nhân dân ngày xưa. Vào thời nhà Trần, ngài Chu Văn An là bậc vạn thế sư biểu, một nhà mẫu mực về giáo dục. Tiếng tăm, kiến thức, uy nghiêm của thầy Chu vang động khắp mọi nơi. Nhiều người đã gửi con em để học thầy, trong đó có một vị con trai yêu quý của vua Thủy Tề, hiện hình lên nhân gian làm học trò của thầy. Thầy Chu Văn An tuy là một thầy dạy học, tuy nhiên thầy cũng là một vị đại thần trong triều đình, nổi tiếng với Thất trảm sớ - xin trảm 7 tên nịnh thần nhưng vua không nghe, thầy xin cáo quan về quê dạy học. Ngày nay, di tích ngôi trường xưa còn ở Chùa Huỳnh Cung - xã Tam Hiệp - huyện Thanh Trì - Hà Nội. Tuy đã cáo quan về quê nhưng thầy vẫn luôn chăm lo tới cuộc sống của bà con nhân dân nhất là những bà con nhân dân ở cùng nơi thầy đang sống. Năm đó, trời đất đại hạn, cây cỏ héo hon, đất đai nứt toát. Vì tấm lòng với nhân dân, thầy than thở với các học trò của mình: “Trời làm đại hạn, con người, cây cối đang chết khô, ta thương quá mà không sao làm gì được”. Khi đó có một người học trò thưa rằng “Thưa thầy, con có cách làm được trời mưa, nhưng khi làm xong con sẽ chết”. Thầy Chu Văn An cảm động lắm nhưng thầy vẫn nói rằng “Tùy con!”. Người học trò đó liền cầm chiếc nghiên mực, hất lên trời. Tự nhiên trời đổ cơn mưa lớn, tất cả làng mạc vùng này ngập nước, đủ cho dân cư sử dụng, cây cối sinh sôi. Sau cơn mưa, người học trò kia biến mất, thầy Chu và các học trò khác chia nhau đi tìm nhưng không thấy mà chỉ thấy xác 1 con thuồng luồng nổi lên trên cái đầm nước mà người học trò kia đã vung chiếc nghiên mực xuống. Lúc đó thầy Chu mới biết người học trò này là con của vua Thủy Tề nhưng vì thương dân, kính thầy, cảm thông với nhân dân mà đã làm trái mệnh trời, làm mưa chống đại hạn. Ngày nay, đằng trước Chùa Bằng, cạnh chùa Quang Ân có đầm Mực, đây chính là cái đầm mà người học trò kia đã vung mực xuống, tạo thành 1 cái đầm nước đen như mực nên có tên là đầm Mực. Từ câu truyện lưu lại trong nhân gian, thờ phụng và tôn kính Thành Hoàng Bảo Ninh Vương, ta có thể suy ra trên tất cả các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng nào cũng có tín ngưỡng thờ thành hoàng, những vị đó là những vị có công, xây dựng và bảo vệ đất nước hay những vị trong truyền thuyết hoặc những vị đã hiển linh để bảo vệ cho dân chúng. Vậy nên Thành hoàng còn được gọi là “Phúc thần chi dân”, tức là vị thần ban sự phúc lạc cho dân chúng.
Vào các mùa khác, mùa hè nóng bức, trăm bệnh sinh sôi, nhân dân ta thờ các vị thần để diệt trừ các loại sâu bọ đang phá lúa, phá cây gọi là Quan Ôn. Khi có các loại dịch bệnh như dịch tả, dịch sốt xuất huyết,… nhân dân lại cầu đến Quan Dịch. Nếu có vị lương y nào tìm được phương thuốc để chữa trị cho người dân ở vùng đó, khi mất đi, vị đó cũng được tôn làm Thành hoàng của ngôi làng. Rồi đến mùa thu, mùa đông, mùa nào cũng có những nghi lễ để cầu nguyện cho thời tiết thuận hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống luôn an lành. 
Không phải chỉ đến mùa mới cầu nguyện mà tất cả các sự cầu nguyện đó đều bắt đầu từ sự cúng kính đầu năm. Có năm, ngày Tết diễn ra trước tiết lập Xuân, có năm ngày Tết diễn ra sau tiếp lập Xuân. Như năm Đinh Dậu này, hôm nay, 19/12, còn 11 ngày nữa mới sang năm mới, năm Mậu Tuất, tuy nhiên nếu theo thời tiết thì hôm nay đã bước sang mùa Xuân của năm mới. Và trong suốt năm mới đó, con người đều mong cầu được trời yên biển lặng, ban phúc lành, trừ tật dịch, tháng nào cũng có những mốc để kỷ niệm và thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng.
Tháng Giêng, nghỉ ngơi và cầu phúc, tháng 2 bước vào các lễ hội, tháng 3 bắt đầu gieo trồng mùa màng, người ta kết hợp luôn với tín ngưỡng đi Tảo mộ vào tiết Thanh minh, tiết trời trong sáng. Tháng 4, cây lúc đâm bông, cầu mong những cơn mưa, có ngày Phật đản, chính là ngày bắt đầu cho mùa mưa, người ta tổ chức lễ Phật đản để cầu mong những cơn mưa xuống tưới cho cây lúa, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây lúa để tháng 5 bắt đầu gặt hái. Vậy nên trong năm, mùa Xuân là mùa quan trọng nhất.
“Tứ thời, Xuân đại thủ
Ngũ phúc, Thọ vi tiên”
Trong 5 thứ phúc đức – Phúc, Lộc, Thọ, Khanh, Ninh, chữ Thọ quan trọng nhất. Vào ngày bắt đầu của mùa Xuân, ai cũng mong muốn cho đầu xuôi, đuôi lọt, mong sao cho 4 mùa 8 tiết được Cát bảo bình an, từ đó mới có Tết, diễn ra vào 3 ngày đầu tiên của năm mới Âm lịch. Trước đó 1 ngày, vào ngày 30 tết, mọi thứ công việc, vất vả, oán thù, khổ đau đều cất lại. Thậm chí, khi đất nước lâm nguy, chiến tranh diễn ra, ngày 30 tết, 2 bên cũng ký với nhau hiệp định đình chiến, tạm chấm dứt giao tranh cho nhân dân 2 bên được yên tâm đón Tết. Cũng trong ngày 30, người dân còn có tục lệ làm cây Nêu, vẽ cung tên bắn ra ngoài cửa để xua đuổi ma quỷ ra ngoài biển Đông. Con người thì tắm gội, giặt giũ, để đến giờ giao thừa, mọi việc chấm dứt. Vào 3 ngày Tết là 3 ngày ăn ngon nhất, mặc đẹp nhất, thanh thản nhất, nói năng nhẹ nhàng nhất, cây cối chăm sóc để đẹp nhất, rồi đến con vật nuôi trong nhà cũng được ăn ngon nhất. Ai cũng mong từ đó, cả năm 365 ngày tiếp theo cũng được ăn ngon, mặc đẹp, thanh thản, tốt tươi. Bởi vậy cho nên “Tứ thời, Xuân đại thủ”. Trong Phật giáo, Thọ mạng lâu dài cho người già là một phước báo lớn nhất. Người Việt của chúng ta cũng gặp cùng quan điểm đó. “Ngũ phúc, Thọ vi tiên”. Ai sống thọ chính là được lộc trời ban cho được sống lâu. Nên năm mới, lời chúc các cụ, đầu tiên bao giờ cũng là lời chúc cho các cụ được mạnh khỏe, trường thọ. Nếu vừa được trời ban sống lâu, còn được sống vui, sống khỏe, sống minh mẫn, đó là phúc đức lớn nhất của con người. 
Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, các bậc tổ sư đã khéo léo vận dụng tư tưởng của Phật giáo vào tín ngưỡng dân gian. Ngày mùng 1 đầu xuân, là ngày vía của Đức Phật tương lai – Phật Di Lặc. Năm mới, báo hiệu cho tương lai, báo hiệu cho sự tốt đẹp thì Phật Di Lặc cũng là báo hiệu cho sự an vui và may mắn. Hình tượng của Phật Di Lặc được tạc ở các chùa thường theo hình tướng Ngài đang ngồi, an nhiên, thoải mái, thân béo mập, tâm hồn thanh thản, miệng nở nụ cười tươi tắn. Đây chính là tinh thần của Phật giáo đi vào trong dân tộc. Và hình tượng Phật Di Lặc trong Phật giáo được dân gian hình tượng hóa thành ông thần Tài. Xuất phát từ điển tích Phật giáo Trung Hoa 1 thời. Có 1 vị hòa thượng, chuyên đeo 1 túi vải trên vai, đến các nhà giàu có để xin. Người ta cho gì ngài đều nhận lấy, tiền, vàng, tương, gạo, muối… ngài đều  cho vào túi. Sau đó ngài đi đến các vùng nghèo đói, đổ tất cả ra đất, cho toàn bộ cho dân nghèo. Những gia đình giàu có cúng Hòa Thượng, nhà nào cũng tự nhiên buôn may bán đắt, nên nhà giàu nào, ngày nào cũng mong hòa thượng đến nhà để được cúng dường. Đám nhà nghèo thì ngày nào cũng mong hòa thượng đến để được ngài cho tiền, cho thức ăn. Hòa thượng hay đeo cái túi vải lớn nên còn được gọi là Bố Đại hòa thượng. Những người buôn bán từ đó lúc nào cũng nhớ đến vị hòa thượng béo phệ, mập mạp, đeo chiếc túi vải lớn, lúc nào cũng nở nụ cười tươi tắn. Người ta làm hình tượng của Ngài thành vị thần Tài, cầu mong 12 tháng trong năm, cụ hòa thượng ngày nào cũng đến nhà, người giàu được buôn may bán đắt, người nghèo được có cái ăn. 
Từ câu chuyện đó, chúng ta thấy được sự kết hợp giữa Phật giáo và nhân gian, cho nên những người dân nông nghiệp mong chờ các sự kiện của Phật giáo. Tháng giêng là tháng cầu phúc, cầu cho quốc thái dân an. Khi người dân vừa cấy hái xong, chưa phải chăm bón nhiều, nhân dân mở hội tế lễ, mang lại sự tươi tắn, sự hòa nhã, sự đoàn kết và hướng tới tương lai của người dân địa phương. 
Tháng 2 là tháng người dân đi trẩy hội. Ở Miền Bắc, lễ hội dài nhất là lễ hội Quán Thế Âm Bồ Tát ở Chùa Hương, khai mạc từ 6/Giêng và kết thúc vào ngày 27/3. Người dân không cần biết nhìn đâu xa xôi mà họ chỉ cần nhìn vào miếng cơm, manh áo hằng ngày của họ. Dựa vào phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên hoa, nói về công đức, hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Âm, người dân họ ngưỡng cầu những điều chính đáng nên trong động Hương Tích – Nam Thiên đệ nhất động có những thứ tưởng tượng như đụn thóc, đụn gạo, đụn vàng, đụn bạc, núi cô, núi cậu, máng bèo, ao cá…. Phật giáo đã gắn liền với tín ngưỡng và đáp ứng được những như cầu cần thiết của người dân. 
Tháng 3, người dân mong muốn có tinh thần tri ân, nảy sinh sự kính ngưỡng giữa mình và người mẹ, mong muốn một sự yên bình, và tình thương của mẹ nên Đạo thờ Mẫu xuất hiện. Mẹ luôn luôn thương yêu đàn con nhỏ của mình. Mẹ luôn theo dõi con dù con có lên trời, lên núi hay con xuống biển, con đi đâu mẹ vẫn bên con vì con có lòng tin, có tín ngưỡng nhờ vào tục lệ thờ Đạo Mẫu.
Tháng 4, cây lúa trổ đòng, cần có nhiều nước tưới, vậy nên 8/4 là ngày Bụt sinh mà mong cá đẻ - Cá gặp nước mưa sẽ đẻ. Vậy nên người xưa có câu rằng “Mùng 8 tháng 4, trời không mưa, bỏ cả cày bừa mà đi ăn xin” . 
Tháng 5 bắt đầu sinh sôi bệnh tật, từ thức ăn cho tới môi trường. Người dân nghĩ ra Tết Đoan ngọ với phong tục giết sâu bọ, gọi là lễ trùng dương. Dựa theo sự tích lễ trùng dương, đúng 12h trưa ngày 5/5 âm lịch, người xưa đã tài tình xây dựng bóng của đầu ngọn bút Tả thiên thanh sẽ chấm đúng vào nghiên đá ở trước cổng đền Ngọc Sơn. 
Tháng 6 sau khi đã thu hoạch mùa màng ở tháng trước, đây là tháng mùa hè nóng bức nên hạn chế đi lại. Tháng này không có lễ hội nào được diễn ra. 
Trong Phật giáo, tháng 7 là tháng đề cao tinh thần ân hiếu, tinh thần biết ơn Tam bảo, biết ơn cha mẹ, biết ơn đất nước, xã hội, biết ơn tất cả mọi loài chúng sinh. Tín ngưỡng dân gian cũng tổ chức cúng ông bà tổ tiên, cầu Phật tế hộ cho vong linh tổ tiên được giải thoát, được về hưởng sự cúng dàng của con cháu. 
Tháng 8 đón tết Trung thu và là tháng nghĩ về tương lai: “Muốn ăn lúa tháng 5, thì trông trăng Rằm tháng 8”. Để chuẩn bị cho năm sau tốt đẹp thì phải chuẩn bị tốt từ bây giờ. Tháng 8 gieo trồng nhân tốt để tháng 5 sang năm gặt lúa tốt. Điều này cũng tương đương với tư tưởng gieo nhân nào gặp quả đó trong đạo Phật, muốn năm sau gặt quả lành thì từ năm nay phải biết gieo trồng những điều tốt đẹp.
Tháng 9, dân gian có 1 loạt lễ hội gọi là lễ hội Cầu tạnh. Nếu tháng 4, có lễ hội cầu mưa ở Đền Gióng thì tháng 9, mưa nhiều quá, gây lụt lội, ngập úng, người xưa nghĩ ra các lễ hội để cầu tạnh tôn thờ một loạt các vị thánh thờ ở vùng biển, trong đó có Thiền sư Không Lộ, được người dân tôn thờ ngài như một vị thánh.
Tháng 10, ngày rằm tháng 10 bước vào lễ Hạ nguyên (rằm tháng Giêng là lễ Thượng nguyên, rằm tháng 7 là Trung nguyên). Tháng này bắt đầu cho một mùa đông, tháng 10, tháng 11, tháng 12, mọi người bắt đầu tích trữ tài sản đồ ăn, áo mặc cho những ngày đông tàn, cầu mong trong lễ Hạ nguyên cho mấy tháng cuối năm còn lại có cái ăn, cái mặc và mọi người được yên ổn, ấm no để sang mùa xuân mới được tốt đẹp.
Từ tinh thần người dân đất Việt đón chờ Bốn mùa, tám tiết như vậy, các bậc tổ sư cũng đã đưa các ngày lễ tết, các ngày vía của Chư Phật, chư Bồ Tát vào trong nhân gian. Vào tháng 9, cuối mùa thu, người dân cầu nguyện cho một mùa đông sắp tới ấm no, đủ đầy thì có ngày khánh đản Đức Phật Dược Sư vào ngày 30/9, cầu tiêu trừ tật bệnh, tăng diên phúc thọ. Người tu tịnh độ có ngày khánh đản Đức A Di Đà 17/11. Và đặc biệt vào tháng 12 là ngày 8/12 kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo.
Cuối thời pháp thoại, Hòa thượng mong rằng đại chúng hiểu được tinh thần lễ tết và tín ngưỡng của nhân gian. Bởi "Nếu những điều đó được áp dụng và chuyển tải bằng tinh thần Phật giáo, nhìn dưới nhãn quan của Phật giáo thì mùa nào cũng tốt, ngày nào cũng đẹp và việc nào cũng hanh thông nếu chúng ta biết làm thiện".

 
 
 
 
 
 
 
 

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng trụ trì, dưới sự chủ lễ của Đại đức Thích Quảng Kiên, đại chúng đã cùng tụng thời kinh Dược Sư cầu quốc thái dân an.

 
 
 
 

Buổi trưa, đại chúng thực hiện nghi thức cúng Quá Đường, dùng bữa cơm chay an lạc ngày cuối năm trong chính niệm tỉnh thức.

 
 
 
 
 

Đầu giờ chiều, đại chúng vân tập về trước lễ đài, chí thành chí kính tụng thời kinh Phổ Môn. 

 
 

Đúng 14h, Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc, CLB thanh thiếu niên Phật tử chùa Bằng - chùa Lý Triều Quốc Sư, Câu Lạc Bộ 14 chữ Hà Nội cùng vân tập về chùa Bằng làm lễ tạ pháp năm Đinh Dậu 2017 và khánh tuế hòa thượng trụ trì. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau khi đại diện các Đạo tràng và các CLB dâng lời tác bạch, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã ban lời đạo từ sách tấn hàng Phật tử.
Hòa thượng khẳng định "từ xưa đến nay không có lễ khai pháp cũng không có lễ tạ pháp, điều này nói lên rằng giáo pháp của Đức Phật được luân chuyển liên tục như bánh xe không lúc nào ngưng nghỉ. Nếu như theo người xưa thì thời điểm hiện tại tức là  tiết lập xuân đồng nghĩa với việc là đã sang năm mới nên mong muốn cái gì cũng được mới, rũ bỏ cái cũ, cái xấu xa, cái không tốt của năm cũ, cho nên năm mới ai cũng mong muốn có được cho mình một sức khỏe dồi dào, có tiền nhiều, thành đạt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Theo Đức Phật, thì kết thúc 3 tháng an cư sẽ là mùa khai giảng Pháp bảo cho tăng chúng an cư, Đức Pháp Chủ GHPGVN thượng Phổ hạ Tuệ cũng đã răn dạy, lễ tạ ở đây là lễ tạ của 3 tháng trong mùa an cư còn giáo pháp của Đức Phật tuyên dương từ khi Ngài chuyển bánh xe pháp đầu tiên tại khu vườn Nai xứ Ba La Nại độ cho 5 anh em Thầy Kiều Trần Như và được các bậc thánh Tăng đương đại thời đệ tử của Đức Phật, rồi cho đến các bậc Tổ Sư, cho đến các bậc cao Tăng và cuối cũng là các bậc Tăng Ni ngày nay hoằng truyền trên khắp cõi Ta Bà này trong khắp 5 châu bốn biển, cho nên cũng không có đóng và không có ngày mở, không có lễ tạ pháp. Tất cả đều phải tính theo 1 chu kì là “xuân qua, hạ tới, thu về, đông tàn”; như vậy cứ 4 mùa trôi qua 8 tiết khép lại thì sẽ lại có 1 ngày để giao thời mà ngày hôm nay chính là ngày giao thời. Theo thông lệ hàng năm các Đạo Tràng các CLB đều có những ngày tác bạch, lễ tạ riêng, nhưng năm nay duyên trùng duyên, khởi trùng khởi hôm nay là ngày tu an lạc của các Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa, thì cũng trùng luôn dịp CLB 14 chữ Hà Nội, CLB giáo lý chùa Bằng cũng cùng xin về trước là lễ Phật lễ Tổ, sau là xin dâng lời tác bạch để Tạ Pháp cuối năm sự kiện này có thể được coi là “chúng tâm đồng từ”. 
Sau đó, Hòa thượng sách tấn các Phật tử "bạch tạ là để nhớ ơn, tri ơn thầy, cho dù Hòa thượng ân sư của Đạo Tràng Pháp Hoa không có hiện tiền nơi đây, nhưng hàng Phật tử cũng dâng lời tác bạch tri ân đến Người để thể hiện được tinh thần, tri ân, báo ân vô cùng sâu sắc, rồi cho đến chúng tôi, trụ trì của chùa, những vị giáo thọ lớn và các thầy giáo thọ của chùa. Các đạo Tràng, các CLB cũng tập trung về để làm lễ tạ pháp như vậy thể hiện được tinh thần hòa hợp của Đạo Phật, có thể nói đây là một dịp rất hiếm mà trong giáo lí của Đức Phật đã dạy, trong Luật của các Thầy đang giữ có một điều là “cùng một thầy học như nước với sữa không thể tách rời”. 
Qua đây, Hòa thượng cũng tán thán công đức của nhị vị giáo thọ sư chùa Bằng - chùa Lý Triều Quốc Sư là Đại đức Thích Lệ Minh và Đại đức Thích Pháp Minh đã không ngại khó khăn, vất vả, luôn luôn sát cánh cùng Hòa Thượng tổ chức các khóa tu tập mà đặc biệt là các khóa tu dành cho tuổi trẻ.
Sau đó, Hòa Thượng trụ trì đã nói đến tầm quan trọng của việc đào tạo thế hệ trẻ cho Phật giáo và vai trò của lớp trẻ trong đạo Phật. Hòa thượng mong rằng đại chúng hãy yêu thương đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tu tập theo giáo lý Phật đà, bởi "tre già thì măng mọc, măng luôn dựa vào tre, tre thì luôn che chở cho măng, lúc nào có vấn đề về tu tập thì các bạn trẻ có thể nương vào ông bà, nương vào các thầy, còn ngoài ra thì các ông các bà, cha mẹ cũng cần phải để cho các con tự đi lên bằng đôi chân của mình, tự làm bằng đôi tay và tự suy nghĩ bằng trí óc của mình, có như vậy thì cuộc sống mới không bị bão táp làm ngả nghiêng ngã gập". Hòa Thượng mong rằng các bạn trẻ hôm nay được về dưới chân của Đức Phật, được bên các Thầy, đặc biệt là được ngồi bên các ông các bà thì đó có thể coi là một niềm hạnh phúc, cũng như 1 điềm lành báo hiệu cho rằng giảng đường của chùa Bằng năm nay sẽ đầy đủ các thế hệ già, trẻ, nam, nữ và tất cả các CLB cũng như các đạo tràng cùng về đây tu tập. Tuy rằng, tu tập có khác nhau, nhưng giáo pháp của Đức Phật thấm nhuần đều là một, đó là thấm nhuần của vị giải thoát.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng sang năm mới đại chúng hãy cùng nhau tinh tiến tu tập hơn nữa, cố gắng chuyển hóa Ta Bà khổ đau thành Tịnh Độ an vui, giải thoát. Hòa thượng cũng có lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ cho dù là trong CLB nào, sinh hoạt hay tu học ở nơi đâu thì chúng ta cùng đều là người con của Đất Việt, đều trong cùng một bào thai sinh ra và đều là đệ tử của Đức Phật, hãy sống và thực hành theo những lời Đức Phật dạy để cuộc sống luôn an vui, hạnh phúc.
Buổi lễ tạ pháp đã khép lại ngày tu an lạc cuối cùng của năm Đinh Dậu tràn đầy đạo vị.

 
 
 
 
 
 
 
 

Sau khi kết thúc chương trình ngày tu an lạc tháng cuối cùng của năm Đinh Dậu, đại diện Đạo tràng Pháp Hoa trên toàn miền Bắc đã về tại khách đường chùa Bằng, cùng họp tổng kết lại chương trình tu học, sinh hoạt của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc trong một năm qua, và lắng nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - giáo thọ sư của Đạo tràng Pháp Hoa chỉ dạy về những điều còn thiếu sót tồn tại nơi thành viên các Đạo tràng, để năm tới Mậu Tuất Đạo tràng sẽ phát triển mạnh hơn không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC