Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Tư tưởng Phật giáo › Chuyện đạo đời
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 21/04/2020 02:15 AM 
Hoài niệm tôn sư
Khi còn tại thế, Đức Thế Tôn luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục con người. Kinh Pháp Hoa nói rằng, nhân duyên Phật ra đời vì mong muốn mọi người trở thành một con người hoàn hảo, hay gọi là trở về với Phật tính sẵn có trong mỗi người. Chính vì mục đích giáo dục hoàn thiện con người cho nên trong 45 năm thuyết Pháp, Đức Phật luôn bày ra các phương pháp chỉ bày, tu tập định hướng để cho tất cả mọi người thực tập theo lời dạy của Ngài, hoàn chỉnh tịnh hóa 3 nghiệp Thân – Khẩu - Ý, trở thành một con người Chân – Thiện – Mỹ, đạt tới giác ngộ và giải thoát.
Hôm nay, chúng ta cùng ôn lại tấm gương giáo dục người đệ tử và tấm gương cần mẫn của người đệ tử đối với người thầy qua 3 bản kinh được ghi lại trong kinh tạng Nikaya đó là kinh giáo giới Rahula. Kinh ghi lại những lời dạy bảo của Đức Thế Tôn với người Sa di nhỏ tuổi xuất gia là La Hầu La. 
Về huyết thống, Tôn giả La Hầu La là con trai duy nhất của thái tử Tất Đạt Đa và công chúa Gia Du Đà La. Sự ra đời của tôn giả La Hầu La có nhiều thuyết khác nhau, nhưng đều kể lại rằng La Hầu La sinh ra trong dòng hoàng tộc, được nuôi dưỡng trong hoàng cung và trong tình yêu thương của mẹ mình là công chúa Gia Du Đà La. Sau khi Đức Phật thành đạo Vô Thượng Bồ Đề, Ngài nghĩ tới công sinh thành dưỡng dục của vua cha và nhớ tới những người thân thích trong hoàng tộc nên trở về cung thăm vua cha. Trong lần gặp này, công chúa Gia Du Đà La đã dẫn người con trai La Hầu La đến yết kiến Đức Phật, nhưng cũng ngầm muốn con trai của mình biết mặt người cha. Chính sự gặp gỡ đó đã khiến các vị trong hoàng tộc mong muốn xuất gia như đức di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề, công chúa Gia Du Đà La, các hoàng thân như tôn giả A Nan, La Hầu La cũng mong được Phật tế độ cho đi xuất gia. Tôn giả La Hầu La được Đức Phật chấp nhận và giao cho tôn giả Xá Lợi Phất giáo dưỡng. Nhưng bên cạnh đó, Đức Phật luôn luôn quan tâm đến Sa di La Hầu La với tình cảm và trách nhiệm của một người cha, người thầy và đặc biệt là bậc đại đạo sư đối với người trẻ tuổi mới xuất gia, tu tập. Ba lần Đức Phật giáo giới La Hầu La được ghi lại trong bản Kinh giáo giới Rahula. 
Câu chuyện thứ nhất, một thời, Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Rahula (La-hầu-la) ở tại Ambalatthika (rừng Ambala). Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Ambalatthika, chỗ Tôn giả Rahula ở. Tôn giả Rahula thấy Thế Tôn từ xa đi đến, sau khi thấy, liền sửa soạn chỗ ngồi và nước rửa chân. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, và sau khi ngồi, Ngài rửa chân. Tôn giả Rahula đỉnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn, sau khi để một ít nước còn lại trong chậu nước, bảo Tôn giả Rahula:
- Này Rahula, Ông có thấy một ít nước còn lại này trong chậu nước không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Cũng ít vậy, này Rahula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn, sau khi đổ đi chút ít nước còn lại ấy rồi bảo Rahula:
- Này Rahula, Ông có thấy chút ít nước còn lại ấy bị đổ đi không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Cũng đổ đi vậy, này Rahula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn lật úp chậu nước ấy và bảo Tôn giả Rahula.
- Này Rahula, Ông có thấy chậu nước bị lật úp ấy không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Cũng lật úp vậy, này Rahula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn lật ngửa trở lại chậu nước ấy và bảo Tôn giả Rahula:
- Này Rahula, Ông có thấy chậu nước này trống không không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Cũng trống không vậy, này Rahula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
 Khi được theo Phật xuất gia, mặc dù dưới sự chỉ dạy của tôn giả Xá Lợi Phất nhưng vì tuổi còn trẻ, mới xuất gia nên tôn giả La Hầu La còn mang tính hồn nhiên của vương công quý tử hay còn một chút tự cao, cậy mình là dòng dõi của Đức Thế Tôn. Cho nên nhiều lần các bậc trưởng lão đến yết kiến Đức Phật, tôn giả La Hầu La đều nói dối là “đức Phật không có nhà”. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy cho tôn giả La Hầu La phải tịnh hóa 3 nghiệp Thân - Khẩu - Ý và đặc biệt phải chú ý đến khẩu nghiệp, giữ miệng trong sạch và cũng từ đấy dạy rằng “bệnh từ miệng mà vào, tội từ miệng mà ra”. Sau này khi thuyết giới, Ngài cũng dạy chúng ta giới thứ tư là giới không nói dối. 
Câu chuyện thứ hai, Đức Phật kể về một con voi có đầy đủ hình thể của một con voi, có 4 chân, có đầu, có ngà, có tai, có mắt. Con voi đó lâm trận dùng ngà, đầu, chân để chiến đấu, để duy trì mạng sống của mình nhưng đặc biệt, con voi đó không dùng vòi hay nói cách khác là bảo vệ vòi của mình. Như vậy người xuất gia cũng vậy, giữ gìn khẩu nghiệp nói riêng và 3 nghiệp Thân – Khẩu - Ý nói chung. 
Câu chuyện thứ ba, Đức Phật nói về cái gương. Ngài hỏi La Hầu La: một cái gương hàng ngày để làm gì? La Hầu La đáp rằng “bạch Đức Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh”. Như vậy, Đức Phật cũng dạy La Hầu La rằng hãy luôn luôn phản tỉnh, soi rọi lại bản thân của mình trong nghiệp thân - khẩu - ý của đời hiện tại và đời mai sau. Nếu làm được như vậy sẽ là một con người hoàn thiện. 
Chúng ta thấy rằng Ngài luôn luôn hướng con người đến một cuộc sống thánh thiện. Khi con người đó làm chủ được bản thân, chế ngự được 6 căn, tiếp xúc với 6 trần đối với 6 cảnh không bị nhiễm ô. Chính vì vậy, hình tượng của Phật Di Lặc có 6 đứa trẻ con xung quanh Ngài. Chư Tổ giải thích rằng đức Di Lặc đã tự tại 6 căn khi tiếp xúc với 6 trần. 
Một lần, Đức Thế Tôn trên đường đi du hóa gặp đạo sỹ Ương Quật Ma (Angulimala) được mệnh danh là một tay sát nhân, theo chủ thuyết của ngoại đạo nói rằng giết 1000 người lấy ngón tay kết thành vòng đeo trên cổ sẽ đắc đạo. Ương Quật Ma đã giết 999 người còn một người nữa những chưa tìm được ai, anh ta bèn nghĩ rằng “mình muốn mau thành đạo thì người dễ giết nhất là bà mẹ già ở nhà, ta phải mau về nhà giết mẹ cho đủ 1000 người”. Trên đường trở về, Ương Quật Ma đã gặp Đức Thế Tôn đang đi trước mặt. Dù đã cố gắng đuổi theo Ngài nhưng không kịp, Ương Quật Ma đã quát lên rằng “Này ông kia, ông hãy dừng lại cho ta giết”. Lúc đó, Đức Phật ôn tồn bình tĩnh đứng trước mặt Ương Quật Ma và trả lời rằng “này chàng trai kia, ta vẫn đứng đây, chỉ có người đang chạy”. Điều này hàm ý rằng đức Phật đang đứng tự tại trong sự thanh tịnh, an nhiên và giải thoát còn Ương Quật Ma đang chạy theo dục vọng. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp cho Ương Quật Ma nghe. Sau khi nghe xong, Ương Quật Ma đã quỳ xuống xin Đức Thế Tôn được xuất gia và được chấp nhận vào Tăng đoàn. Ương Quật Ma tinh tiến tu hành và đắc đạo A La Hán. Vì vậy, một con người dù ác độc, nguy hiểm tới đâu nhưng cũng chỉ là nhất thời. Còn tính thiện sẽ tồn tại mãi mãi, khi biết sám hối sẽ được an lạc. 
Trong kinh tạng, đức Phật cũng dạy cho con người biết chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ để sau này sẽ trở thành những người có tài, có ích, kể cả người đó là người xuất gia hay là người tại gia. Vì vậy cho nên đức Phật đã dạy bài Kinh Tuổi Trẻ. Trong kinh, đức Phật đã lấy 4 ví dụ Sa di nhỏ, Hoàng tử nhỏ, con rắn nhỏ và đốm lửa nhỏ. Nếu như vị Sa di nhỏ tuổi ngày nay mới bắt đầu vào đạo mà được người thầy dạy bảo, được chúng tăng kèm cặp thì người Sa di đó sau này sẽ trở thành bậc đại đạo sư, trở thành bậc pháp khí trong thiền môn. Một Hoàng tử nhỏ nếu được Vua, Hoàng hậu triều đình dạy bảo, chăm lo, bồi dưỡng thì Hoàng tử đó sẽ trở thành một vị đại đế anh minh trị quốc, chăm dân. Ngược lại một con rắn nhỏ nếu không cẩn thận sẽ trở thành một con mãng xà, một đốm lửa nhỏ nếu không cẩn thận sẽ gây ra hỏa hoạn đốt cháy cả khu rừng. Điều đó cho thấy rằng giáo dục trong Phật giáo rất được đề cao, và GHPGVN ngày nay cũng luôn luôn chú trọng điều này. Ngay từ ngày thành lập, Giáo hội đã lập nên Ban giáo dục Tăng ni mà ngày nay gọi là giáo dục Phật giáo để đào tạo những người mới xuất gia. Bên cạnh là ban hướng dẫn Phật tử, để hướng dẫn những người mới bước chân vào đạo có tình cảm với đạo Phật, có kính tin đạo Phật trở thành những người Phật tử. Cũng như vậy nối tiếp thế hệ này cho đến thế hệ khác, từ khi đức Phật nhập Niết Bàn cho tới ngày nay, biết bao tấm gương chư Tổ dạy bảo đệ tử. Trong bài kinh Pháp Bảo Đàn, đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đã dạy đức Lục Tổ Huệ Năng qua phương pháp truyền tâm ấn. Khi Ngũ Tổ truyền y bát cho Lục Tổ, Lục Tổ được Ngũ Tổ đưa ra ngoài bờ suối để xuống đò đi ẩn nạn. Trên con thuyền, Ngũ Tổ cầm mái chèo, Lục Tổ bạch rằng “khi con chưa ngộ thì thầy độ, nay con đã ngộ thì con xin tự độ” qua câu chuyện cầm mái chèo, sau đó Ngũ Tổ liền đưa mái chèo cho Lục Tổ chèo ngoài khu vực núi Hoàng Mai. 
Phật giáo nhà trần ghi lại câu chuyện giữa Sơ Tổ Giác Hoàng Điều Ngự với Nhị Tổ Pháp Loa vào ngày tết Mậu Thân năm 1308, Sơ Tổ sau khi dùng bữa sáng đã bắt đầu trao truyền y bát cho Nhị Tổ Pháp Loa bằng một câu chuyện. Sơ Tổ lên tòa giảng pháp xong đi xuống dắt Pháp Loa lên Pháp tòa, rồi bắt đầu ngồi bên cạnh nghe Pháp Loa giảng. Cũng năm Mậu Thân 1308 đó, vào mùa an cư, Sơ Tổ và Nhị Tổ Pháp Loa an cư tại chùa Vĩnh Nghiêm. Tại đây, Sơ Tổ đã giảng bộ Ngữ Lục cho Nhị Tổ tức là giảng toàn bộ về truyền đăng của Phật tổ cũng như truyền đăng của Phật giáo Việt Nam. Để rồi ngày mùng 1 tháng 11 năm đó, Ngài an nhiên nhập Niết bàn trên am Ngọa Vân. Lục Tổ phụng hành theo ý chỉ của Ngũ Tổ Thiền tông cũng như tổ Ca Diếp phụng ý chỉ của đức Phật Thích Ca, mang y bát của Phật vào núi Kê Túc nhập đại định để truyền y bát của Phật Thích Ca khi Phật Di Lặc ra đời. Từ đó cho chúng ta một bài học, người thầy dạy người trò và người trò phụng hành sau này, chính là ở trong luật Sa di đã dạy người đệ tử “thờ thầy như thờ Phật, sự sư như sự Phật, hầu thầy như hầu Phật, kính thầy như kính Phật”. Đức Phật đã đề cao vai trò của người thầy như đức Phật đối với người xuất gia, đề cao cha mẹ như Phật đối với người tại gia. Với người tại gia, đức Phật dạy “phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”, đối với người xuất gia thì “hầu thầy như hầu Phật”. 
Chúng tôi cảm thấy mình có nhân duyên thù thắng trong nhiều kiếp, cho nên kiếp này được sinh ra làm người, căn tướng đầy đủ, được gặp Phật pháp, được gặp minh sư. Vào những năm đầu của thập kỷ 70, chúng tôi được biết tới Hòa thượng ân sư của chúng tôi đó là đức trưởng lão Hòa thượng thượng Tâm hạ Tịch. Tôi được tiếp xúc với Ngài khi Ngài trở về Tổ đình Cao Đà, lúc đó gia đình tôi đang sơ tán tại xã Nhân Hậu cách xã Nhân Mỹ - nơi có Tổ đình Cao Đà khoảng 5 km. Lúc đó, tôi được một vị Ni trụ trì đó là cố Ni trưởng Thích Đàm Bình dẫn lên yết kiến Ngài, khi ấy Ngài còn là bậc Thượng tọa. Khi gặp Ngài, tôi thấy như là có túc duyên xưa, và chính từ chốn Tổ Cao Đà ấy đã gieo mầm Phật pháp cho tôi. Sau này khi trở về nơi sơ tán, tôi luôn luôn ấp ủ hoài bão được đi xuất gia và được giống như vị Thượng tọa đang ở chùa Cao Đà. Nhân duyên đã đến, tháng 10 năm 1972, mặc dù gia đình tôi không đồng ý, thậm chí cấm đoán nhưng tôi vẫn có quyết tâm đi xuất gia. Được nhờ ân đức của Hòa thượng Cổ Lễ tức là Hòa thượng thượng Thế hạ Long đã thuận theo ý nguyện xuất gia của tôi, tạo điều kiện và khuyên nhủ bố tôi để cho tôi được xuất gia, còn tạo điều kiện cho tôi lên chùa Quán Sứ học để bố tôi yên tâm rằng con của mình vẫn được đi học. Ngày nay, tôi vẫn còn giữ được bức thư từ năm 1972 mà Hòa thượng Thích Thế Long gửi cho bố tôi. Tại chùa Quán Sứ, Hòa thượng thầy tôi tức là đức Đệ nhị Pháp chủ đã nhận lời dạy bảo tôi, bởi vì lúc đầu tôi xuất gia với sư huynh của Ngài là đức trưởng lão Hòa thượng thượng Tâm hạ Chính - trụ trì chùa Diên Phúc (thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Từ năm 1974, khi lên chùa Quán Sứ, tôi được nhân duyên thù thắng là được thân cận hầu thầy tôi, cũng là phúc duyên nhất đối với tôi và Hòa thượng Thích Thanh Hưng - trụ trì chùa Thiên Phúc (phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bây giờ). Vì lúc đó người xuất gia rất ít, chỉ có tôi và Hòa thượng Thanh Hưng lúc đó là hai chú tiểu nhưng được duyên là hầu nhiều trưởng lão nhất như cố trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Độ - Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, cố trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm An hay gọi là Hòa thượng Quốc là Phó Hội trưởng Luật sư, Hòa thượng Thích Quảng Dung hay gọi là Hòa thượng Đa Bảo, Hòa thượng Giám Sinh tức là Hòa thượng Nguyên Sinh là giám tự chùa Quân Sơn nên gọi là giám sinh, Hòa thượng Tố Liên, Hòa thượng Thế Long và Hòa thượng thầy chúng tôi. Mặc dù lúc đó đất nước còn khó khăn vô cùng, không có điều kiện như ngày nay, lại chỉ có 2 tiểu nhưng chúng tôi vẫn luôn tận tâm để hầu các bậc trưởng lão buổi sáng và buổi tối. Khi đó tối phải mắc màn, sáng phải gấp màn gấp chăn nấu nước cho các Ngài lau mình, pha trà rồi phục vụ ăn sáng. Những ngày trời lạnh, thì phải nấu nước để các Ngài tắm dù vất vả nhưng mà chúng tôi đều hoàn thành nhiệm vụ. Sau này thấy đấy là một nhân duyên lớn được hầu cận các bậc trưởng thượng, cũng là cơ hội được học ở các Ngài nhiều điều, mỗi Ngài có một đức hạnh khác nhau, mỗi Ngài có lời dạy khác nhau. Chúng tôi hi vọng rằng một ngày nào đó sẽ được truyền lại những lời dạy cao quý đó, qua các bài nói chuyện như ngày hôm nay để tưởng nhớ thâm ân đến những vị thầy mà mình đã được phụng sự, học hỏi và được thân thừa. 
Hôm nay, chúng tôi dành toàn bộ tâm nguyện của mình dâng lên ân sư thượng Tâm hạ Tịch. Chúng tôi được hầu thầy từ ngày bước chân vào đạo cho tới ngày 26 tháng giêng năm Ất Dậu (2005) thì Ngài thị tịch. Trong suốt hơn 20 năm, chúng tôi luôn luôn bên cạnh Ngài và nhận ra đức hạnh mà thầy để lại là bài học vô cùng quý giá về giới đức trang nghiêm. Đối với bản thân thầy cần kiệm, an bần thủ đạo; đối với Phật với tổ, thầy luôn tôn kính; đối với các thầy thì thầy trân trọng; đối với bạn, thầy luôn thật thà và đặc biệt nhất là sống cuộc đời mộc mạc chân thật, đối với đệ tử hết lòng yêu thương dạy bảo, đối với Phật tử luôn luôn mong cho Phật tử hiểu được câu đạo hiểu được tu, bởi vì lúc đó Phật giáo ở phía Bắc gần như tuyệt diệt, các bậc trưởng lão thì nhiều mà lớp trẻ xuất gia gần như không có, hàng trung tọa thậm chí hàng thượng tọa không có mà chỉ có các bậc đại trưởng lão. Đối với sự giáo dục Phật tử, hướng dẫn cho Phật tử tu tập cũng hiếm lắm chỉ có người già đến chùa, thậm chỉ chỉ có người nữ chứ người trẻ không đến, người nam không đến. Vì một thời Phật giáo bị suy vi ở đất bắc, đàn ông ra đình, đàn bà ra chùa, thế nhưng lại “trẻ vui nhà, già vui chùa”, có nghĩa là đến chùa chỉ là những người phụ nữ già. Nhưng với tâm niệm là khuyến hóa, giáo dục được ai đều là quý hóa nên thầy tôi đã ứng thân qua các giới đàn từ giới sư tôn chứng, tới Yết ma sư cho tới Hòa thượng đàn đầu đối với người xuất gia. Đối với người tại gia, Hòa thượng trao truyền 3 phép quy, 5 giới và Bồ tát giới cho hàng ngàn Phật tử ở trong và ngoài thành phố Hà Nội. Từ bài học thầy dạy mà chúng tôi thấy rằng thầy có một điều đặc biệt. Trong thời gian chống Pháp và chống Mỹ, Phật giáo phía Bắc cũng phần nào bị lu mờ khi vắng bóng các vị trưởng thượng như tổ Vĩnh Nghiêm, tổ Bằng Sở, tổ Trung Hậu. Hòa thượng cao tăng thạc đức cũng vắng bóng dần như Hòa thượng Tố Liên, Hòa thượng Trí Hải lúc đó thì đang ẩn tu cho nên chỉ có một số các vị Hòa thượng còn tham gia các công việc Phật sự thì phải tùy cơ ứng hóa như Hòa thượng Thế Long, Hòa thượng Thuận Đức đã áp dụng phương pháp tu là “tùy duyên bất biến, bất biến mà vẫn tùy duyên” như trong kinh đã dạy. Còn riêng đặc phần phạm hạnh như thầy chúng tôi thì không tham gia hoạt động xã hội nhiều nhưng mà dù cương vị nào Ngài vẫn thanh liêm. 
Chúng tôi nhớ mãi kỷ niệm khi chỉ có mình tôi làm thị giả, lúc đó thầy tôi còn làm Thượng tọa nên bao giờ cũng phải sắp xếp sau bởi vì bên trên còn các bậc trưởng lão và đặc biệt nhất là trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Độ là Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam miền Bắc và Hòa thượng Quốc, Hòa thượng Tâm An là các bậc đại trưởng lão thì chúng tôi phải đi phụng sự, thị giả nhiều hơn còn với thầy thì ít hơn. Thầy chúng tôi luôn luôn khuyến hóa chúng tôi rằng “tôi còn trẻ, tôi còn khỏe, việc gì làm được cứ để tôi làm còn các chú đi hầu các Ngài đi còn để tôi tự làm cho”. Thầy tôi sống rất nề nếp, bao giờ dậy cũng trước 4h và bắt đầu dậy là vệ sinh cá nhân chăn màn giường gối cẩn thận, trong một căn phòng thầy vừa ở, vừa thờ, vừa sinh hoạt ở trong đó. Nhưng mà thầy có một nếp sống rất sạch sẽ, trang nghiêm và luôn gìn giữ cho bản thân mình. Cho nên sáng nào thầy cũng pha trà dâng lên cúng rồi bắt đầu vào thời tụng kinh chuyên tu của mình. Từ đó chúng tôi luôn luôn phải bên cạnh buổi sớm, vì lúc đó không có điện không thể nấu nước như bây giờ được nên phải nấu bằng bếp dầu để thầy pha trà, hầu thầy dâng cúng, chuyển bị tòa cho thầy ngồi thầy tụng kinh, lạy Phật. Thầy tôi tụng kinh cứ như vậy mà không một ngày nào rời khỏi tụng niệm. Thậm chí có những ngày cuối đời đau bệnh ở bệnh viện Việt Xô, thầy tôi cũng đề nghị với bác sỹ cho tôi được một phòng. Bác sỹ đồng ý bởi khi ấy Ngài đã là Pháp chủ. Bệnh viện Việt Xô khi ấy gọi là bệnh viện cấp cao nhất cho nên họ cũng chiều ý và để cho Hòa thượng một phòng. Hòa thượng bày tượng Phật lên và lễ Phật hàng ngày. Đấy là sự chuyên tu của thầy tôi. 
Về trai giới, tôi với sư đệ là Hòa thượng Thích Nguyên Hạnh (trụ trì chùa Tảo Sách bây giờ) có một kỷ niệm. Tối hôm đó chúng tôi hầu thầy, đang ngồi trên giường trong bệnh viện, tự nhiên thầy không vui mà nói giọng hơi gắt “hai chú cầm cái bếp dầu vào đây cho tôi”. Rồi Hòa thượng nói tiếp “cầm cái xoong ra đây, phích nước sôi ra đây”. Hòa thượng bảo thầy Nguyên Hạnh đổ nước từ trong phích vào xoong rồi đun sôi. Còn với tôi Hòa thượng lại bảo “chú này đi gọt củ xu hào rồi mang vào đây”. Thế là chúng tôi cũng làm theo, đi ra hai người chỉ nhìn nhau lẩm bẩm bảo “không biết sao hôm nay cụ khó tính quá, cụ lại bảo kiểu này mà không biết làm sao”. Rồi cụ bắt bổ ra, đem luộc lên, sau đó cụ bảo tôi lấy cái bát đôi đũa và một cút xì dầu để ăn buổi tối hôm ấy. Ăn xong dọn đi và chúng tôi cũng không dám hỏi rằng “sao hôm nay Hòa thượng lại bảo như vậy”. Hai người không dám nói gì và Ngài cũng vậy. Đến trưa hôm sau, thấy Hòa thượng ăn cơm bình thường nhưng có một điều khác là Ngài trầm tư, chăm chú theo dõi những gì trong bữa cơm nhưng chúng tôi cũng không để ý cho lắm. Trong bệnh viện mất điện, hai anh em hầu quạt Thầy thì Thầy cười và nói rằng “tu hành bằng này tuổi rồi, giờ có chết cũng xứng, có đắp thuốc, có ăn bồi bổ thì có thoát khỏi chết không”. Hai chúng tôi lúc đó không hiểu gì, chỉ thấy sợ thầy và thưa “dạ” thôi. Cụ lại hỏi tiếp “cơm hôm nay ai nấu?”. tôi bèn trả lời “bạch cụ bố thí cho hôm nay chùa Quán Sứ nấu chúng con xách vào đây ạ”. Sau khi dùng bữa xong, cụ kể lại câu chuyện rằng “chiều hôm qua tôi nghe thấy bác sỹ nói với cô Bản rằng cụ yếu lắm mà cụ cứ ăn chay thế này thì khó chữa lắm. Bây giờ phải đi nấu xương xong lấy nước cho vào tủ lạnh cho đông lại rồi vớt mỡ ra nấu nước không cho cụ ăn thì cụ không biết đâu”. Bấy giờ chúng tôi mới giật mình vì chuyện này chỉ có bà Bản với bác sỹ nói chuyện với nhau thôi, chúng tôi không biết gì cả. Lúc đó cụ mới nói tiếp rằng “tôi giữ gìn từ bé đến giờ, giờ có chết cũng không sao đâu chớ có làm trái nguyện của tôi nghe chưa”. Khi ấy, tôi với thầy Nguyên Hạnh quỳ xuống lạy “bạch hòa thượng, chúng con không dám, chúng con không biết gì cả”. Hòa thượng bảo “Ừ, nhớ nhé”. Buổi chiều hôm đó khi bà Bản vào, tôi kể lại câu chuyện đó thì bà Bản mới quỳ xuống sám hối. 
Bà Bản là bà Nguyễn Thị Bản, mới mất tháng 11 năm 2019 vừa qua. Bà thọ 88 tuổi, bà là con gái đầu của anh cả nhà thầy tôi, bởi vì thầy tôi sinh ra được 3 tuổi thì mồ côi cha và 13 tuổi thì mồ côi mẹ. Cho nên thầy tôi ở với người anh cả và được cho ăn học cẩn thận. Nhưng thầy tôi ở gần một ngôi chùa và đọc sách báo của thời Phật giáo Chấn hưng biết đến tổ Vĩnh Nghiêm mà thầy tôi đi từ Kim Bảng - Hà Nam đến chùa Quán Sứ. May mắn thay khi đến chùa Quán Sứ gặp được bà vãi dẫn vào gặp tổ Vĩnh Nghiêm, cho nên nhân duyên được tổ Vĩnh Nghiêm khai đạo mà thầy tôi bắt đầu cuộc đời xuất gia. Chúng tôi muốn nhắc lại câu chuyện này như một kỷ niệm về giới đức trang nghiêm. Còn bà Bản tôi có một kỷ niệm rất lớn giữa tôi với bà Bản và Hòa thượng. Khi tôi với Hòa thượng Thanh Hưng bây giờ đi hầu các cụ có nhiều bữa không kịp nấu cơm, bà Bản vào nấu cơm. Thấy rằng cụ chứng cơm và hoan hỷ, nên dần dần trước thì 2,3 ngày vào một lần rồi ngày nào bà cũng vào 2,3 lần. Cho đến một lần bà nấu cơm xong và đợi cụ ăn. Thật ra ý của bà là đợi rửa bát giúp chúng tôi. Khi ấy thầy tôi nói một câu mà thấy vừa thương bà Bản và cũng vừa vô cùng khâm phục thầy là “thôi đi về đi con, để Châu rửa bát, đi về đi con”. Bà Bản bảo rằng “Bạch cụ từ mẫn để con rửa đỡ cho các chú, các chú còn đi hầu các cụ”. Hòa thượng nói 2,3 lần như thế xong thấy bà Bản không hiểu ý cho nên Hòa thượng mới nói ra một câu thật lòng là “về đi con, người ta chẳng biết là con là cháu, người ta bảo rằng chẳng biết ông sư tu thế nào mà cứ có người đàn bà ngày nào cũng ra vào phòng”. Thế là bà Bản vừa khóc vừa tủi thân, tuy bà Bản không nói ra nhưng rất khâm phục người thầy, người chú của mình. Vì vậy bà Bản đi về ngay và hôm sau đến bảo với tôi rằng “sư ông ơi, thôi bây giờ các Đại đức hầu cụ nhé, cụ bảo như vậy cũng phải. Mà cụ cũng giữ như vậy thì mình cũng nghe theo cụ”. 
Một năm, thầy tôi chỉ lên chính điện lễ ngoài một tháng đôi lần Bố tát thì đặc biệt nhất có 3 lễ ở chùa Quán Sứ mà Hòa thượng làm chủ lễ. Một là đêm giao thừa, Hòa thượng lên lễ Phật lúc giao thừa. Hai là đêm Phật đản, theo Kinh điển Bắc truyền là Đức Phật đản sinh giờ dần nên Hòa thượng chủ trì lễ mộc dục đó. Đặc biệt nhất là ngày rằm tháng 2 bởi chùa Quán Sứ một tháng đôi tuần đều thuyết giới Bố tát, Hòa thượng chỉ ngồi làm chủ trì chứ không thuyết giới, nhưng ngày rằm tháng 2 thầy đích thân tụng giới Tỳ kheo và tụng cả giới Bồ Tát cho đại chúng nghe. Từ đó chúng tôi thấy rằng đối với Tam bảo, đối với giới đức Hòa thượng rất nghiêm trì và đối với Tam bảo thầy rất thành kính. Thầy tôi cũng là người nêu gương cho chúng tôi về sự tôn kính thầy. Thầy tôi kết bạn với Hòa thượng Tâm Thông và Hòa thượng Tâm Nguyện. Thầy tôi là đệ tử tổ Cao Đà (tổ Thông Đoan), Hòa thượng Tâm Nguyện là đệ tử tổ Tế Cát (tổ Thông Hiển) và Hòa thượng Tâm Thông là đệ tử Hòa thượng Thanh Lịch ở Nam Cầu. Hòa thượng Tâm Nguyện và Hòa thượng Tâm Tịch còn là sơn môn huynh đệ thúc bá, nhưng đối với Hòa thượng Tâm Thông thì hoàn toàn khác sơn môn. Ba Hòa thượng có tình cảm huynh đệ hơn cả anh em ruột thịt. Khi Hòa thượng Tâm Nguyện, Hòa thượng Tâm Thông ở Vọng Cung lên Hà Nội thì các Thầy nói chuyện với nhau như là lâu ngày mới gặp. 
Sau này cho đến tận khi thầy chúng tôi làm Pháp chủ, Hòa thượng Tâm Nguyện là đại trưởng lão, Hòa thượng Tâm Thông là đại trưởng lão nhưng không bao giờ ba cụ gọi nhau bằng Hòa thượng. Các cụ chỉ gọi nhau bằng Thượng tọa và có lúc gọi nhau bằng cụ, từ Hòa thượng là chỉ cho Tổ Cồn - Đức Thượng thủ Tăng già toàn quốc, Đức thượng thủ Tuệ Tạng - trụ trì chùa Vọng Cung. Nghĩa là từ Hòa thượng chỉ dùng để tôn kính gọi thầy dạy học của mình chứ ba cụ lại là đệ tử của ba tổ khác nhau. Từ đó thấy rằng thầy tôi luôn luôn tôn kính thầy dạy học cũng như các cụ thời đó. Đối với thầy của thầy tôi tức là tổ Cao Đà, sáng ra nếu như ai cúng đồ gì ngon thì phải sắp cẩn thận đặt lên bàn thờ. Bởi vì trong phòng Hòa thượng thầy tôi thờ cả Phật, thờ cả Tổ tức là thầy của mình. Sáng ra Hòa thượng lễ Phật, lễ Bồ Tát, lễ Tổ sư thì bao giờ cũng lễ thầy dạy học, lễ thầy bổn sư, lễ thầy giới sư. Hòa thượng luôn luôn nhắc một câu “mình bây giờ sướng thật, ăn miếng này ngon. Tổ ngày xưa làm gì được”. Hay là ai đưa cho ấm trà thì thầy tôi nói rằng “trà này chưa được pha ngay nhé, để ngày mai pha cúng rồi mới được uống, phải dâng lên cúng Phật, cúng tổ đã”. Tổ Trung Hậu là thầy Hòa thượng đàn đầu của thầy tôi cho nên thầy tôi bao giờ cũng bảo tôi với thầy Thanh Hưng rằng “nhớ mùng 2 tháng 12 là giỗ Tổ Trung Hậu đấy các vị sang lễ Tổ thay tôi”. Bây giờ từ đây sang Trung Hậu đi ô tô phải mất gần một tiếng mà lúc đó chúng tôi đi xe đạp sang phải đi đò, tức là phải đi từ tối hôm trước hoặc là sáng hôm sau đi thật sớm thì gần trưa mới đến Trung Hậu để cúng Tổ. Đối với thầy nghiệp sư, thầy bổn sư, thầy giới sư, Hòa thượng tôi luôn luôn cung kính. Chúng tôi còn nhớ khi về chùa Mai Xá ở Vĩnh Trụ - Hà Nam, thầy tôi về thăm Hòa thượng Thông Ban yếu. Trong vai vế sơn môn thì Hòa thượng Thông Ban đứng chữ Thông tức là đứng ngang với tổ Cao Đà, là sư đệ của tổ Cao Đà, nghĩa là sư thúc của thầy tôi. Xét về tuổi tác thì Hòa thượng Thông Ban chỉ hơn thầy tôi có 2 tuổi, nhưng về giáo phẩm thì thầy tôi khi đó là Pháp chủ, Hòa thượng Thông Ban là thành viên Hội đồng chứng minh, Trưởng ban trị sự tỉnh Hà Nam lúc đó. Tôi vẫn nhớ một hình ảnh rất đẹp, đó là khi thầy tôi đến phòng thì Hòa thượng Thông Ban đang nằm. Thầy tôi nói “A Di Đà Phật”, Hòa thượng Thông Ban hỏi “Ai đấy?”. Thầy tôi mới trả lời rằng “A Di Đà Phật bạch Hòa thượng, con Tâm Tịch về thăm Hòa thượng đây ạ”. Một câu nói như một bài học về sự tôn ti trong thiền môn mà đức Phật đã dạy “Tăng sỹ tụ tập theo thứ lớp không như Bà La Môn tụ hội” đúng như thế.
Thầy tôi đối với các Hòa thượng và chư Tăng trong chùa Quán Sứ rất hòa nhã, luôn luôn thể hiện đức tính khiêm nhường. Ngài luôn lắng nghe những câu chuyện của Hòa thượng Thích Thanh Tứ trong chốn tùng lâm Quán Sứ. Đặc biệt Ngài rất nể và  tôn trọng ý kiến của Hòa thượng Thanh Tứ. Hòa thượng Thanh Tứ đi đâu mà muốn thầy tôi đi cùng thì chỉ cần Hòa thượng xuống mời là thầy tôi đi ngay, mặc dù thầy tôi rất ít đi ra ngoài và đặc biệt nhất là rất ít đi trai Tăng hay đi dự đình đám. Hòa thượng tôi thường nói một câu rằng “để tôi ở nhà tâm niệm đỡ mất thời gian hơn”. Nhưng HT Thanh Tứ mà xuống mời là thầy đi. 
Tôi nhớ một lần có đoàn đại biểu Phật giáo Trung Quốc đến thăm Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hòa thượng Thanh Tứ mời Ngài ra nhà khách để khi khách đến họ sẽ đến chào Ngài. Lúc đó, thầy tôi đã mặc y phục trang nghiêm ngồi nhà khách như một người chủ chuẩn bị đón khách. Chúng tôi đứng hầu thị giả thấy Hòa thượng Thanh Tứ đi qua nhà khách, khi ấy chỉ nghĩ rằng Hòa thượng đang có công việc gì đi qua. Nhưng tự nhiên thấy thầy tôi đứng lên đi về phòng và bảo tôi rằng “lấy cái áo dài nâu ra đây”. Ngài mặc áo dài nâu vào thì tôi mới thưa “bạch Hòa thượng đang chuẩn bị tiếp khách sao lại mặc áo này ạ”, Ngài mới bảo rằng “Hòa thượng Thanh Tứ mặc áo nâu, mình mặc áo vàng nó kỳ lắm không nên, tiêp khách quốc tế không có người trên người dưới, mà hai người tôi với Hòa thượng Thanh Tứ phải như nhau”. Lúc ấy, tôi bạch với Hòa thượng Thanh Tứ là “Hòa thượng con thay áo rồi”, thì Hòa thượng Thanh Tứ mới vào thưa với thầy tôi rằng  “Hòa thượng cứ mặc áo này bởi vì Ngài là chủ tiếp khách, còn lát nữa con mặc áo vàng cùng hầu với Ngài tiếp khách”. Ngài nói “Thế à”, rồi cười và sai tôi đi lấy áo. Điều đó tuy rất đơn giản nhưng cũng đã dạy cho chúng tôi một bài học là luôn luôn hòa cùng với đại chúng, đừng bao giờ nghĩ mình là người trên, hòa cùng với đại chúng bao nhiêu thì được đại chúng mến yêu bấy nhiêu. Dù khi ấy Hòa thượng tôi là Hòa thượng còn Hòa thượng Thanh Tứ lúc đó là Thượng tọa, nhưng bao giờ Ngài đi đâu cũng nói cho Thượng tọa biết và về bao giờ cũng nói cho Thượng tọa. Tôi nhớ mãi việc hàng năm cứ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 5 thì Hòa thượng tôi về từ mùng 3, mùng 4 cụ ngồi với chúng tôi xếp hàng ở bến ô tô nhưng mà kham nhẫn để đi cùng với chúng tôi về kỵ Tổ. Bao giờ đi thì cũng đi qua phòng Hòa thượng Thanh Tứ nói “A Di Đà Phật Thượng tọa có nhà không?”. Hòa thượng  Thanh Tứ nói “A Di Đà Phật bạch Hòa thượng con đây ạ”. Thầy tôi lại bảo “Thượng tọa ở nhà nhé, tôi xin phép về chốn Tổ mấy hôm kỵ nhật Tổ xong tôi lên”. Hòa thượng Thanh Tứ đáp lại “A Di Đà Phật” rồi vội mặc áo dài tiễn thầy tôi ra ngoài cổng để hai thầy trò đi xích lô, hoặc có lúc Hòa thượng tiếc tiền nên đi bộ từ chùa Quán Sứ ra chỗ rạp xiếc ở công viên thống nhất bây giờ. Khi đi lên cũng vậy, Hòa thượng bao giờ cũng gặp Hòa thượng Thanh Tứ nói “A Di Đà Phật bạch Thượng tọa, tôi về chốn Tổ đã lên”. Sau đó mang chút lộc đem từ chốn Tổ bảo tôi đưa xuống biếu Hòa thượng Thanh Tứ. Tính bạn, tình thầy, tình trò của thầy tôi là một bài học vô vàn quý giá đối với tôi, mà không phải mình tôi mà đối với chư Tăng lớp chúng tôi của chùa Quán Sứ lúc đó có Hòa thượng Thanh Nhiễu, Hòa thượng Thanh Duệ, Hòa thượng Thanh Hưng, Hòa thượng Thanh Đạt. Bây giờ các vị còn được biết tất cả. Nên Hòa thượng Thanh Tứ luôn luôn rất tôn trọng và quý mến thầy tôi. Cho đến cả những giờ phút thị tịch, Hòa thượng Thanh Tứ cũng đứng bên cạnh giường của thầy tôi, khi thầy tôi tịch xong đứng bên cạnh niệm Phật cả tiếng rồi mới ra về. Chính điều này cũng dạy cho chúng tôi một bài học về tình bạn. Kể cả với cha mẹ và anh em cũng vậy, thầy tôi tuy là người xuất gia nhưng rất hiếu kính cha mẹ. Lúc chúng tôi còn trẻ không để ý đến ngày giỗ phụ mẫu của Hòa thượng lắm. Chỉ biết rằng ngày hôm ấy Hòa thượng không ra vào nhiều và Ngài ngồi trong phòng tụng kinh từ sáng đến trưa, ăn xong đến chiều Ngài tụng tiếp và đến tối Ngài mới công bố rằng “hôm nay giỗ bố của tôi, tôi tụng cho bố tôi quyển kinh” hay là “hôm này giỗ mẹ tôi” thì lúc đó chúng tôi mới biết, chứ Ngài không có cúng kiếng mà Ngài chỉ có tụng kinh. Đối với người anh cả của thầy, vì người anh cả nuôi thầy từ lúc mồ côi mẹ cho nên khi tuổi già, nhà người anh ấy ở gần chùa Quán Sứ bên phố Yết Kiêu nên buổi chiều hay ra chùa chơi với thầy thì hai anh em nói chuyện với nhau rất nhẹ nhàng về cách dạy con cháu, những châm ngôn tục ngữ mà Tổ tiên để lại. Đặc biệt nhất Hòa thượng cũng hay hỏi “những ngày giỗ bố, giỗ mẹ, giỗ tổ tiên bên gia đình ông bà có cúng không, nếu không có chỉ cần thắp hương và tưởng nhớ tới là được, còn trong này tôi vẫn tụng kinh”. Như vậy chúng tôi cũng học được ở thầy chúng tôi, ngoài việc tôn kính các bậc trưởng thượng, sư trưởng, thân thiện với huynh đệ trong thiền môn, đối với cha mẹ quá cố anh em họ hàng Ngài cũng rất gần gũi dạy bảo, khuyến hóa. Nhờ công đức khuyến hóa đó mà bà Bản là con gái trưởng, ông Nguyễn Văn Cừ là cháu trưởng cũng đều trở thành những Phật tử thuần thành mà tận lúc lâm chung vẫn một mực là cả toàn gia đình theo thờ Phật. Đối với đệ tử thì hôm nay ngày kỷ niệm húy nhật lần thứ 15 của thầy chúng tôi có những kỷ niệm khi mà còn được hầu bên thầy rất nhiều, thầy ân cần dạy cho từ bưng bát cơm, bưng chén nước, dạy cách đi đứng nằm ngồi, thị giả mặc dù hầu thầy một phần mà hầu các Hòa thượng bên trên ba phần nhưng mà tôi vẫn luôn tự nhủ phải biết cách để hầu cho các Hòa thượng được vui lòng, sao cho đúng phép tắc của đệ tử. Có một câu chuyện mà đến sau này khi nhắc lại, tôi vẫn thấy hơi chạnh lòng, rất hối hận với thầy. Hồi trước, ai cúng cái gì thì Hòa thượng đều nói một câu rằng “phải ăn cho hết, phải dùng nhé”. Vì lúc đó là thời bao cấp nên hiếm lắm, nếu mà đường thì tính bằng lạng, chè thì tính bằng ấm và chuối khi chúng tôi còn học Tăng là ăn chuối phải cắt làm ba, bổ làm đôi tức là sáu miếng là cho 3 người và không bao giờ được ăn nửa quả huống chi là cả quả. Nhưng mà thầy tôi vẫn nói rằng “khó khăn mà người ta vẫn đem đến cho mình”, sau đó Ngài chỉ lên bàn thờ nói rằng “đây này cái ruộng đây này, ruộng này bốn mùa mùa nào cũng có trái cây ăn, cứ tu đi con ạ, tu được ngày ăn 7 lạng vàng cũng xuôi mà không tu được thì ngày ăn 7 hạt cơm cũng khó nuốt đấy con ạ”. Và Hòa thượng cũng dạy rằng “họ đã cho mình tức là họ cúng. Mặc dù mình là Tỳ khiêu, là khất sỹ nhưng mà xin giáo pháp Phật tu thân, xin thức ăn đàn việt. Nhưng mà xin không phải xin như kẻ ăn mày, mà người ta dâng cúng nên là đừng bao giờ coi thường”. Một lần vào mùa rét có một bà cúng một cái áo len. Thời đó có được một cái áo len thì vô cùng sang trọng, chỉ các bậc trưởng thượng mới có được áo len. Hòa thượng vui vẻ nhận và mặc. Tới trưa tôi đi học về, Hòa thượng mới bảo với tôi rằng “sáng nay có bà cúng cho cái áo len”. Thế xong Ngài mới đùa rằng “có đẹp không?”, tôi thì không dám bạch chỉ đứng đấy thôi, thế Hòa thượng không nói gì nữa. Đến chiều, Hòa thượng mới cầm cái áo ra bỏ vào và nói rằng “ôi mặc nó không quen, nó nóng rặm khó chịu quá, bỏ đi thì phải tội mà mặc vào thì rặm”. Xong Ngài bảo “tôi cho đấy”. Lúc đó là thanh niên rét mà được thầy cho cái áo là nhất hạng rồi, mừng lắm cầm khoe cả nhà. Nhưng khi lớn lên thì nhớ cái áo đấy, và mỗi lần nhắc tới đó là nước mắt cứ tuôn ra vì tình thương bao la ấy của thầy. Chúng tôi nhiều khi phải phụng mệnh của thầy đi sang Bồ Đề để làm công việc Phật sự thay cho mấy vị Ni già bên đó, phải qua sông bằng đò rất rét. Ngài dạy chúng tôi rằng nếu rét quá thì xin tờ báo gấp làm tư buộc vào trong bụng rồi lấy dây buộc chặt vào, nó dầy thì đi sẽ ấm. Quả đúng thật, trước đi không biết rét lắm nhưng mà xin được tờ báo hiếm lắm và ốp vào trong bụng thì ấm. Sau này mới nghĩ rằng là thầy thương mình phải đi lại nhiều, nên thầy cho cái áo, nhưng nếu thầy bảo thầy cho thì mình còn nhỏ đâu có dám nhận. Thầy phải bày phương tiện ra là chê thì mình không biết mới nhận. Trước phương tiện thầy bày ra mà tưởng thầy chê thật. Khi lớn lên mới nhớ lời thầy dạy rằng “ai cho gì không được chê”, thì mới biết rằng đấy không phải thầy chê mà đấy là thầy phương tiện thầy cho mình. 
Khi tôi còn trẻ, cũng như các chú đệ tử bây giờ ham chơi ngại làm. Thời đó đói kém cho nên sáng ra nấu đồ ăn xong rồi thì chuông đánh báo vào học. Mà Hòa thượng sáng nào cũng như ngày nào đều dậy từ 4 giờ tụng niệm xong, tập thể dục rồi mới ăn sáng. Thầy không bao giờ dậy sau 4 giờ, Ngài có quả chuông để bên cạnh. Nếu mà đợi đến 4 giờ 5 phút mà không thấy người tuần liêu tức là người phải báo thức thì Hòa thượng sẽ đánh 6 tiếng chuông để gọi vị tuần liêu đó. Nhưng thầy cũng vượt qua nghi lễ là thầy ăn trước rồi trò mới ăn sau. Thầy bảo tôi một câu “múc một bát để đấy còn ăn đi, chuông đánh rồi đấy”. Lúc đó cũng ăn, nhưng càng đến về sau thì cảm thấy có lỗi vô cùng. Ngày đó, tôi cũng lười rửa bát. Rồi một hôm Hòa thượng ăn bát chè xong thì Ngài để cho một bát và bảo “ăn đi”. Tôi còn trẻ có lúc nũng nịu thưa rằng “Con không ăn đâu”. Cụ lại bảo “thôi cứ ăn đi, tôi bảo bà Doan rửa bát cho. Lạ gì cái tính ấy”. Tình cảm đó của thầy dành cho trò quý báu vô cùng. 
Một lần Hòa thượng đang nằm nghỉ trưa, trời lại rét mà Ngài chỉ đắp một cái áo dài. Thầy Thanh Hưng mới đi qua, trông thấy cụ không đóng cửa mà lại đắp một cái áo dài nên mới rón rén vào lấy cái chăn đắp lên, thì Ngài phẩy tay ra bảo “Chớ! Đắp vào nó ấm không dậy được đâu”. Các Hòa thượng đáng nhẽ được tuổi nghỉ ngơi, nhưng mà Ngài vẫn quyết tâm chinh phục thiên nhiên, vượt qua sự già nua, vượt qua lão bệnh. Và đúng thế, sau này mấy năm thụ bệnh nhưng kể cả bác sỹ, kể cả thị giả, Phật tử, kể cả Tăng ni đến thăm không bao giờ nghe thấy Hòa thượng tôi rên kêu đau, và Hòa thượng luôn luôn động viên những người bên cạnh. 
Hòa thượng luôn là thầy quy y cho các Phật tử của các chùa Ni, nhưng về giới đức Hòa thượng vẫn luôn luôn giữ nghiêm ngặt. Khi đến chùa Ni, mặc dù phải đi xa như là chùa Hai Bà Trưng, chùa Hộ Quốc, chùa Thanh Nhàn ở đường Võ Thị Sáu bây giờ, chùa Chân Tiên, thậm chí xa hơn nữa là chùa Hưng Ký ở Minh Khai. Khi chuẩn bị đến giờ quy, Hòa thượng mới đi xích lô xuống, quy xong mặc dù các vị Ni thành khẩn thỉnh Hòa thượng ở lại thụ trai nhưng Ngài không bao giờ ở lại. Ngài vẫn nói với tôi một câu rằng “mình là Tăng đường hoàng, đừng vì làm một việc mà ở lại ăn, nó mất phong cách, người ta lại nghi ngờ mình với chùa Ni ấy, không hay” và hai thầy trò lại đi về. 
Đối với sự nghiệp cuộc đời của thầy, mặc dù Ngài đã đi xa hơn 15 năm rồi mà chúng tôi vẫn còn nhớ, nên ngày tang lễ trong giờ phút tiễn biệt của TƯ Giáo hội, tôi có bài cảm niệm ân sư, trong đó có câu:
Cõi mộng phù du thăm thẳm
Thầy đến đi sớm đượm lòng con
Thầy ơi ngàn dặm nước non
Tình thầy nghĩa bạn đá mòn khôn phai
để ghi lại tình cảm của người thầy với người trò, cũng như thầy của thầy, thầy giới sư, thầy nghiệp sư, thầy dạy học và các bậc bề trên. 
Hôm nay nhân ngày húy kỵ của thầy, chúng con thắp nén hương tưởng nhớ tới công đức của thầy và nhớ lại trong lời tưởng niệm ân sư có câu:
Đất Thăng Long ngàn năm văn hiến
Con trưởng thành thầy khiến con theo
Tùng lâm Quán Sứ nhiệm mầu
Thầy thương thầy dạy truyền trao pháp lành 
Mong rằng các bậc Tăng Ni trung hạ tọa của chúng ta cũng noi gương của các bậc tổ, biết kính các bậc thầy, biết thương các người đệ tử. chính lời dạy của thầy cho nên trong cuộc đời tôi có phát nguyện 6 chữ “thành kính, chân thật, tận tâm” và lấy đó làm phương châm tu hành.  
Nam Mô A Di Đà Phật.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng 
trong chương trình Hoằng Pháp Online (phát sóng ngày 21/2/2020 trên kênh Phật Sự Online)
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC