Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 26/08/2023 22:31 PM 
Ngày tu an lạc tháng 7 năm Quý Mão tại chùa Bằng - Hà Nội
Ngày 24 tháng 08 năm 2023, nhằm ngày 09 tháng 7 năm Quý Mão, hướng về mùa Vu Lan báo hiếu, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng - Linh Tiên tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội) từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.

Đúng 7h30' sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và đăng đàn truyền giới cho hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.

Sau đó, toàn thể đại chúng đã lắng lòng đón nghe thời pháp thoại của Trưởng lão Hòa thượng Thích Quang Nhuận – thành viên HĐCM, trụ trì chùa Hiếu Quang (Huế).

Hòa thượng đề cập đến hai nội dung, thọ trì Bát quan trai giới và ý nghĩa Báo ân Cha mẹ. Về thọ trì Bát quan trai giới, Hòa thượng nhấn mạnh, “Phật pháp như thuốc hay, nhưng tùy theo căn bệnh. Phật pháp tuy một pháp môn có thể được truyền dạy cho nhiều người như nhau, nhưng để cho sự thực hành có hiệu quả hơn, cũng cần phân biệt thành phần xã hội, trình độ nhận thức, và kinh nghiệm từng trải của mỗi người mà phương pháp thực hành có thể có một vài sai khác. Cho nên, trong Bát quan trai giới Phật dạy giới này áp dụng chung cho tất cả các Phật tử tại gia, không phân biệt Phật tử này thuộc thành phần hay đẳng cấp xã hội nào. Nhưng vì trình độ nhận thức, và nhiều lý do khác nữa, một Phật tử nhận thức ý nghĩa của giới pháp một cách cá biệt, và do đó thọ giới với cứu cánh riêng biệt.

Giới bát quan trai được Phật thuyết cho các Thánh đệ tử; những người tuy sống đời tại gia, hưởng thụ ngũ dục của thế gian, nhưng tâm tư đã vững chắc trên Thánh đạo. Trong ý nghĩa này, tu có nghĩa là phát triển, làm cho bản thân càng lúc càng cao thượng ngang tầm Thánh đạo, để càng lúc càng nhìn thấy rõ dấu chân dẫn đến Niết bàn. Do đó, Hòa thượng nói: “Giới bát quan trai chính xác được gọi là giới cận trụ. Nghĩa là, sống gần đời sống xuất gia, gần chùa chiền, gần nơi thanh tịnh. Tập quen với đời sống thanh tịnh. Còn cao hơn nữa, cận trụ được hiểu là tập sống gần đời sống một vị A La Hán, là bậc Thánh xuất thế gian. Ngoài nghĩa cận trụ, giới bát quan trai còn được gọi là giới bố tát hay trưởng tịnh: trì giới làm phát triển phần thanh tịnh, những đức tính tốt trong mình.”

Sau đó, Hòa thượng nhắc đến ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan. Tất cả người dân, không chỉ những người theo Phật giáo mà ai sinh ra, dù theo tôn giáo nào hay không cũng đều có cha, có mẹ. Cho nên ý nghĩa của ngày Vu Lan đã mở rộng ra toàn xã hội mà các dịp lễ khác của Phật giáo hiện nay chưa thể phổ cập đến rộng rãi mọi tầng lớp của xã hội như lễ Vu Lan. Trong những ngày tháng 7, chúng ta đến chùa, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng thêm phúc thọ. Nếu cha mẹ quá vãng thì cầu cho cha mẹ được siêu sinh tịnh độ và chúng ta cũng cầu cho bản thân được an vui trong hiện tại, phúc tuệ tăng trưởng để tinh tiến tu tập đến được bến bờ giải thoát.

Hòa thượng nhấn mạnh đến Tứ trọng ân mà đức Phật chúng ta đã chỉ dạy những người con Phật xuất gia và tại gia thực hiện để đền ơn, báo ơn một cách trọn vẹn, chu toàn. Đó là, thứ nhất, Ân Tam Bảo. Nhờ ân đức của Phật, Pháp, Tăng mà mình được thọ nhận Giới, Định, Tuệ để được tu tập, tăng trưởng trí tuệ, vượt khỏi bến bờ tăm tối của tình tiền danh lợi, tìm đến cảnh giới an vui, nhàn tịnh.

Thứ hai, Ân cha mẹ, dù một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ đi khắp thế gian này trong suốt một trăm năm, đem của bảy báu mà phụng dưỡng cha mẹ và dù cha mẹ có đại tiểu tiện trên vai, cũng hết lòng chăm sóc, không hề một chút than phiền cực nhọc, nhưng cũng chưa đền ơn, trả ơn đủ cho cha và mẹ. Làm người con chí hiếu phải biết đem hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc cho cha và mẹ như đã nêu trên rồi, việc thứ hai cần phải biết tìm mọi phương tiện để chuyển hóa tâm thức bất thiện của cha mẹ trở thành tâm thức thiện, dứt hết mọi oan trái khổ lụy trần gian tu tập tăng trưởng đạo nghiệp cho đến ngày công viên quả mãn. Như vậy, mới được gọi là biết báo hiếu và tận hiếu.

Thứ ba là Ân quốc vương thủy thổ. Ngày nay, chúng ta có thể cụ thể ra là ân những nhà lãnh đạo, những người có trách nhiệm giữ gìn đất nước và xã hội chúng ta đang sống, chẳng những có bổn phận tìm mọi phương cách để làm cho đất nước, xã hội ngày càng phồn vinh mà còn phải thực sự đưa đồng bào dân tộc, đất nước ngày càng thêm được ấm no, hạnh phúc, thanh bình và thịnh trị.

Thứ tư là ân chúng sinh vạn loại. Chúng sinh vạn loại là những người cùng chủng loại nhưng khác màu da, sắc tóc, khác ngôn ngữ hoặc có những loại chúng sinh tuy khác chủng loại nhưng lại cùng chung sống trong một quốc độ hay một thế giới, một trái đất. Trong một thế giới, một trái đất luôn bị chi phối bởi vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh này thì rõ ràng ân tình đạo nghĩa, sự chia sẻ những ngọt bùi, những ấm lạnh, những biến dịch của dòng thời gian và không gian, dù vô hình trung, mới thoạt nhìn, thoạt nghĩ tưởng chừng như không có gì liên hệ huyết thống, hay chủng tộc, nhưng quả thật chẳng những nó không thể thiếu mà còn là một môi trường sinh thái rất cần thiết, vô cùng trọng yếu đối với cuộc sống.

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng truyền trao, toàn thể đại chúng tiếp tục trì tụng Kinh Bổn Môn Pháp Hoa bằng tất cả sự thành kính của những người con Phật.

Buổi trưa, đại chúng thực hành nghi thức cúng Ngọ, dùng cơm chay trong chính niệm tỉnh thức.

Buổi chiều tiếp tục là thời khóa trì tụng Kinh Pháp Hoa dưới sự chủ lễ của chư tôn đức Tăng bản tự, tiếp tục hạnh nguyện của hành giả Pháp Hoa, cầu nguyện cho quốc thái dân an, Phật pháp trường tồn.

BBT website

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC