Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 24/09/2023 23:20 PM 
Ngày tu an lạc tháng 8 năm Quý Mão tại chùa Bằng - Hà Nội
Ngày 24 tháng 09 năm 2023, nhằm ngày 10 tháng 08 năm Quý Mão, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng - Linh Tiên tự (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) ngay từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.

Đúng 7h30' sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban hoằng pháp TƯ đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và đăng đàn truyền giới cho các hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.

Bát quan trai giới là một phép tu hành của người tại gia áp dụng trong một ngày một đêm (24 giờ). Bát quan trai giới là sự giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 tiếng đồng hồ bằng cách ngăn chặn 8 điều tội lỗi.

Trong không khí trang nghiêm, các giới tử đã phát nguyện trước Tam Bảo, nguyện tinh tấn tu tập, giữ gìn giới luật trọn vẹn để tăng trưởng phúc báu cho mình và nguyện cho tha nhân khắp cõi Sa Bà sớm biết tới niềm an vui trong Phật pháp.

Tiếp theo, đại chúng đã lắng lòng thanh tịnh đón nghe thời pháp thoại ý nghĩa với chủ đề "Ai làm chủ đời ta" của Đại đức Thích Trí Thuần - Phó thư ký Ban Hoằng pháp TW. Bấy lâu nay, nhân loại luôn suy nghĩ và thắc mắc về những câu hỏi lớn của đời người, đó là "Ta là ai - Ta từ đâu đến - Ta đến cuộc đời này để làm gì - Cuối cùng Ta đi về đâu"... Từ đó, con người bắt đầu đi tìm kiếm những câu trả lời cho những vấn đề trên. Cuối cùng vẫn thất bại vì chưa tìm ra chân lý phù hợp để thỏa mãn sự hiểu biết. Có rất nhiều quan điểm lý giải về đời sống nhân sinh hiện hữu. Phần lớn cho rằng có một đấng thần linh, thượng đế, đấng tối cao, hay ông trời, thiên mệnh..v.v...chi phối toàn bộ đời sống nhân loại. Tất cả khổ đau hay hạnh phúc, nghèo hay giàu, sáng hay hèn, tốt hay xấu, thiện hay ác đều do đấng sáng tạo ban cho. Từ đó con người trở nên yếu đuối, lệ thuộc và nô lệ, không tự quyết định được cuộc đời của chính mình.

Mỗi người chúng ta từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi đều mờ mịt. Và may mắn thay Đức Phật ra đời. Ngài nhận chân được đời sống thế tục dù giàu sang phú quý, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ hay mọi thứ vui của ngũ dục cuối cùng sẽ dẫn đến khổ đau. Vì vậy Ngài đi tìm chân lý, tìm ra con đường làm chủ sinh mệnh của mình. Sau 49 ngày tư duy thiền quán, với tam minh và Lục Thông, Ngài đã nhìn thấy dòng luân hồi sinh tử của chúng sinh trong lục đạo. Ngài nhìn thấy không có một đấng sáng tạo nào khai sinh ra thế giới và con người, mà do nhân quả nghiệp báo dẫn dắt con người thọ thân; và tái sinh đến cảnh giới cao hay thấp là do hành nghiệp của mỗi chúng sinh.

Như bài kinh Tiểu Nghiệp phân biệt Đức Phật dạy:

Chàng thanh niên Bà la Môn Subha hỏi Đức Phật:

1. Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu?

2. Tại sao có những người thường hay bị bệnh, có những người đầy đủ sức khỏe?

3. Tại sao có những người mặt mày xấu xí, có những người đẹp đẽ?
Tại sao có những người cô thế, có người đầy quyền uy.

5. Tại sao có người nghèo nàn đói khổ, có người giàu sang sung túc?

6. Tại sao có người sinh ra trong gia đình thấp kém, hạ liệt, trong giai cấp bần cùng, có người sinh ra trong gia đình quyền quí, trong giai cấp cao sang?

7. Tại sao có người ngu dốt (những người thiếu trí tuệ), có người thông minh?

Đức Phật đã trả lời cho Subha một cách ngắn gọn về mười bốn hạng người trên:

Đức Phật nói: "Này người thanh niên. Chúng sinh có Nghiệp là tài sản của mình. Chúng sinh là kẻ thừa tự của Nghiệp của mình. Chúng sinh có nguồn gốc từ Nghiệp của mình. Chúng sinh sinh ra từ Nghiệp của mình hay chúng sinh là thân bằng quyến thuộc của Nghiệp mà mình đã tạo. Chúng sinh có Nghiệp là nơi nương nhờ. Ḍo Nghiệp mà có sự khác nhau giữa các chúng sinh hay Nghiệp đã tạo ra sự khác nhau giữa chúng sinh, Nghiệp đã tạo ra sự khác nhau giữa người và người".

Qua lời dạy này, Đại đức giảng sư mong mỗi Phật tử cần nhìn nhận rõ chính chúng ta tạo ra số phận của mình, khổ đau hay hạnh phúc là do mình tạo dựng nên. Vậy vấn đề làm chủ chính mình là làm chủ nghiệp của mình. Vậy Nghiệp nằm ở 3 phương diện hoạt động đó là thân nghiệp , khẩu nghiệp và ý nghiệp. Trong đó ý nghiệp là quan trọng nhất.

Như Kinh Pháp Cú bài kệ 1 và 2 Phẩm Song Yếu đã nói:

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Đại đức giảng sư nhấn mạnh: Trong vô vàn sự vận hành của nghiệp con người trong 3 đời quá khứ, hiện tại và tương lai đều bị nghiệp chi phối và dẫn dắt đến các cảnh giới khác nhau. Chúng ta đến cuộc đời này không ai giống ai, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh là do trong quá khứ hành nghiệp tạo ra cũng sai khác. Nhưng tựu trung có 2 loại nghiệp phổ biến đó là Thiện nghiệp và ác nghiệp hay còn gọi là bạch nghiệp và hắc nghiệp. Kinh lại dạy: nghiệp trắng kết quả trắng, nghiệp đen kết quả đen. Có nghĩa là nói đến nghiệp quả của mỗi con người đều do bản thân tự tạo và tự nhận lấy.

Đại đức giảng sư sách tấn hàng Phật tử "Việc tu học của người Phật tử đó là quán sát nghiệp trong sinh hoạt hằng ngày được thể hiện trên 3 nghiệp thân khẩu ý. Người có trí tuệ thì chọn những hạt giống Phật, Bồ tát, từ bi hỷ xả, yêu thương, trí tuệ phúc đức để gieo trồng và bồi đắp. Mỗi người đều phải quán sát những tâm hành, những hạt giống xấu, bất thiện đang tiềm ẩn trong nội tâm không cho nó có cơ hội phát khởi, luôn giữ chính niệm tỉnh giác để hạt giống tham lam, sân hận si mê phát khởi; cần làm chủ chính mình, quay trở về nhận diện cái bản ngã của bản thân đang hoạt động trong đời sống".

Đại đức giảng sư mong rằng mỗi người Phật tử hãy ý thức về nghiệp, từ đó tu tập làm chủ nghiệp và chuyển hoá nghiệp phàm phu để nâng lên thành Thánh Nghiệp của bậc Thánh, của Bồ Tát, của Chư Phật. Ngoài ra trên con đường học Phật muốn làm chủ chính mình, người Phật tử hãy nương tựa và giữ vững niềm tuyệt đối bất hoại đối với: Đức Phât, Chính pháp, Tăng đoàn và Thánh giới đã thọ nhận. Nhờ đó mỗi chúng ta phát triển được tâm Bồ đề, làm cho 3 viên Ngọc quý (Tam Bảo) trong tự thân của mỗi người ngày càng sáng hơn, mang lại sự an lạc thảnh thơi trong đời sống.

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Đại đức Giảng sư, hàng Phật tử đã cùng trì tụng Kinh Bổn Môn Pháp Hoa cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Buổi trưa, đại chúng thực hành nghi thức cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm, tỉnh thức.

Đầu giờ chiều, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì cùng chư Tôn đức Tăng bản tự, đại chúng đã trang nghiêm trì tụng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa quyển 1, khép lại ngày tu tràn đầy hỷ lạc.

BBT website

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC