Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 05/04/2024 19:02 PM 
TP.HCM: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ tại Khóa tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp năm 2024
Nằm trong chương trình của Khóa tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp năm 2024 diễn ra tại Tu viện Khánh An (quận 12, TP.HCM), chiều ngày 5/4, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng Ban tổ chức đã có buổi chia sẻ với chư Tăng Ni tham dự khóa tập huấn.

Trong buổi chia sẻ, Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp đã phân tích một ý chư Phật dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ II (chương 5 phẩm Diệu Pháp, phần Tôn giả Udàyi), để làm gợi ý cho Tăng Ni trong việc hoằng pháp lợi sinh.

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, Tôn Giả Udàyi có hội chúng cư sĩ đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp.

Tôn Giả Ananda thấy Tôn Giả Udàyi có hội chúng đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp, sau khi thấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn Giả Ananda bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Udàyi có hội chúng cư sĩ đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp. Này Ananda, thật không dễ gì để thuyết pháp cho các người khác. Ðể thuyết pháp cho các người khác, này Ananda, sau khi nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho các người khác.

Thế nào là năm?

Ta sẽ thuyết pháp tuần tự, thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy.

Ta sẽ thuyết với mắt nhìn vào pháp môn, thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy.

Ta sẽ thuyết vì lòng từ mẫn, thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy.

Ta sẽ thuyết pháp, không phải vì tài vật, thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy.

Ta sẽ thuyết pháp, không làm thương tổn cho mình và cho người.

Thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. Này Ananda, thật không dễ gì để thuyết pháp cho các người khác. Ðể thuyết pháp cho các người khác, này Ananda, sau nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho các người khác.

Qua đoạn kinh ngắn này, Hòa thượng muốn nhắn nhủ chư Tăng Ni phải luôn nhớ điều đầu tiên là phải nương vào kinh điển, dựa trên quan điểm của kinh điển và hệ tư tưởng của tông phái để hoằng pháp. Dù là tu sĩ tu theo pháp môn nào, cũng đều là đệ tử Phật. Đức Phật dạy người đệ tử dù xuất gia hay tại gia đều phải an trú, trú tâm tỉnh giác.

Đoạn Kinh kia Đức Phật cũng chỉ rõ chỉ khi nội tâm an trú mới thuyết pháp cho người khác nghe. Hòa thượng đã giải thích điều này bằng cách chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp của bản thân, khi Ngài đi giảng pháp ở bất cứ nơi đâu, dù đã chuẩn bị trước đề tài nhưng đều sẽ không giảng theo đó. Khi bước lên pháp tòa, niệm danh hiệu Phật cầu gia hộ, lúc đó Phật hiện trong tâm, quán chiếu xuống đại chúng, từ đó giáo pháp trong tâm sẽ tự hiển lộ cho phù hợp với thính chúng, tín ngưỡng văn hóa địa phương và bối cảnh nơi diễn ra sự kiện.

Nhưng muốn được như vậy, Hòa thượng nhấn mạnh chư Tăng Ni phải tinh tiến nỗ lực tu và học. Hãy để ý bài giảng của các bậc tiền bối lãnh đạo GHPGVN, đều trích dẫn kinh điển, bởi giáo pháp của Đức Phật giống như viên ngọc minh châu dù đứng ở khía cạnh nào cũng đều thấy thật sự vi diệu, muôn màu đa dạng phù hợp với tất cả căn cơ của chúng sinh và hàm chứa vô vàn những giá trị tốt đẹp.

Nhân đây, Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp TW cũng đã giải thích rốt ráo cho đại chúng hiểu về 5 pháp “thuyết pháp tuần tự, thuyết với mắt nhìn vào pháp môn, thuyết vì lòng từ mẫn, thuyết pháp không phải vì tài vật, thuyết pháp không làm thương tổn cho mình và cho người”.

Qua đó, Hòa thượng mong chư Tăng Ni cần có sự an trú tâm thức khi thuyết giảng, cần nhớ mình đang giảng gì, nói gì, đồng thời hãy tùy theo căn cơ của từng chúng sinh mà thuyết pháp. Nhiệm vụ của người tu sĩ là mang giáo pháp Phật đà phổ cập nhân sinh, vì vậy hãy chỉ nói những điều Phật dạy, đừng quá quan tâm tới chuyện thế gian. Đặc biệt, hãy thuyết pháp bằng sự vô tư, bằng lòng từ bi, bình đẳng, quảng đại, từ ái, đừng cầu danh lợi vật chất phù phiếm. Đạo Phật không dùng sức ép để chúng sinh phải theo. Thuyết pháp chính là chỉ mong cầu cho người nghe hiểu được những lời chân chính và giá trị đạo đức mà Đức Phật chỉ dạy, vốn có nhiều điểm chung với nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Hòa thượng khẳng định “Đạo Phật là một tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, có bề dày hộ quốc an dân. Vì vậy, người tu sĩ của ngày nay cần noi gương chư Tổ đi trước, nỗ lực tu học, trau dồi Giới – Định – Tuệ, coi nhiệm vụ hoằng pháp là nhiệm vụ quan trọng để giúp Đạo Phật được trường tồn nơi thế gian. Đặc biệt cần chú ý, tứ oai nghi của người xuất gia cũng chính là bài pháp không lời dành cho chúng sinh. Hình tướng khoan thai, vững chãi, chậm rãi, thảnh thơi, sống đạo hạnh chính là đã tạo thiện cảm cho người lần đầu tiên tiếp xúc với Đạo”.

Hòa thượng cũng chia sẻ: Trong những ngày diễn ra khóa tập huấn, chư Tăng Ni tham dự sẽ được tiếp cận với hoằng pháp qua rất nhiều phương diện, nhằm trang bị hành trang là những bài học và kinh nghiệm cho những người tu sĩ Phật giáo hoằng truyền chính pháp, tròn trách nhiệm là người con của Đức Phật mang dòng họ Thích. Muốn đền ơn cao cả của Đức Thế Tôn không có gì bằng việc mang giáo pháp mà Ngài đã kết tinh cả cuộc đời để truyền dạy cho tất cả mọi người được thấu hiểu và thực hành, nhằm mang lại lợi lạc cho tự thân và xã hội.

Vì vậy, Hòa thượng mong rằng “Khóa tập huấn sẽ giúp chư Tăng Ni nắm chắc tư tưởng, quan điểm xuyên suốt của GHPGVN đã chỉ đạo cho ngành Hoằng pháp thực hiện. Đồng thời, ngành Hoằng pháp đã lấy kim chỉ nam là những lời chỉ dạy của chư Phật, chư Tổ để làm định hướng, làm sao nêu cao được chính pháp của Đức Thế Tôn mà không ảnh hưởng tới người khác, không vi phạm pháp luật của Nhà nước cũng như Hiến chương của GHPGVN và làm sao để mọi người thấm nhuần được chính pháp, tránh lạc lối trong u minh mê mờ”.

Sau khi khép lại buổi chia sẻ, Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp TW cũng đã dành thời gian lắng nghe chư Tăng Ni chia sẻ về kinh nghiệm hoằng pháp của bản thân, cũng như những thuận lợi và khó khăn khi hành đạo.

Cụ thể, Ni trưởng Thích Nữ Hương Nhũ - Ủy viên Ban Hoằng Pháp Trung ương, Phó Trưởng Phân ban kiêm Trưởng Tiểu ban Hoằng pháp Phân ban Ni giới TW, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam Tp. HCM đã chia sẻ về một số hoạt động Phật sự nổi bật mà Ni giới đã làm trong thời gian qua.

Sau Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (2022 – 2027), Tiểu ban Hoằng pháp và Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử thuộc Phân ban Ni giới TW đã kết hợp với Phật tử tổ chức các khóa tu sinh viên, tuổi trẻ, doanh nhân….Đồng thời, cũng kết hợp với Ban từ thiện để thăm hỏi động viên và tặng quà tới người khó khăn, lồng ghép với những thời pháp thoại ngắn nhằm mang lại lợi lạc cho đồng bào. Đặc biệt, những khóa tu dành cho tuổi trẻ đều thống nhất một tên gọi “Trở về nhà” để khẳng định đây là khóa tu của Phân ban Ni giới TW tổ chức.

Ni trưởng Thích Nữ Hương Nhũ cảm nhận rằng tất cả các khóa tu đều chú trọng tới chất lượng, tuy số lượng ít nhưng mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, giúp các bạn trẻ tháo gỡ được những thắc mắc, có được điểm tựa tâm linh vững chắc và nhìn nhận mọi vấn đề trong đời sống dưới nhãn quang của Phật giáo. Có được những điều đó là nhờ hoằng pháp qua việc lắng nghe, chia sẻ bằng tấm lòng yêu thương, từ bi và bao dung, bên cạnh việc thuyết giảng giáo lý Phật pháp. Ni giới trẻ đã được quý chư Ni tiền bối sách tấn “không được đơn điệu một tiểu ban, các tiểu ban phải kết hợp với nhau tạo thành sức mạnh của Tăng đoàn”. Và những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua của Phân ban Ni giới TW chính là nhờ sự đoàn kết “đi với nhau như một dòng sông”, học hỏi theo quý chư Tôn đức đạo cao đức trọng, hòa hợp triển khai những thông điệp từ bi trí tuệ và yêu thương của Đạo Phật.

Ni trưởng khẳng định “Nếu không nắm vững giáo lý của Đức Thế Tôn, không triển khai giáo pháp theo hướng tuần tự bằng tâm từ bi, bằng sự hiểu biết để đối trị khổ đau cho chúng sinh thì Ni giới khó mà thành công trong vấn đề Hoằng pháp. Người Phật tử muốn có niềm tin sâu thì phải hiểu sâu, mà muốn được như vậy thì Hoằng pháp chính là để giáo dục cho người Phật tử hiểu sâu về giáo lý Phật Đà, từ đó áp dụng vào cuộc sống thực tiễn để mang lại lợi lạc”.

Ni trưởng chia sẻ cách để buổi thuyết giảng tạo được sự thành công, là ngoài việc giảng pháp hãy dành thời gian còn lại để giao lưu và lắng nghe những chia sẻ, khúc mắc của nhân dân Phật tử.

Ni trưởng cũng vô cùng hoan hỷ khi học hỏi được rất nhiều bài học giá trị trong khóa tập huấn nghiệp vụ hoằng pháp lần này, từ khâu tổ chức cho tới những nội dung trong 3 ngày tập huấn mà chư Tôn đức lãnh đạo Ban Hoằng pháp TW đã thiết lập.

Sau Ni trưởng Thích Nữ Hương Nhũ, Thượng tọa Thích Trí Nguyên - Ủy viên Ban Hoằng pháp TW, Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Cà Mau cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình hành đạo. Theo Thượng tọa, Cà Mau là địa phương vùng sâu vùng xa, gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Qua khóa tập huấn lần này, là cơ hội để chư Tôn đức Ban Hoằng pháp tỉnh Cà Mau được nghe ý kiến và kinh nghiệm của chư Tôn đức Ban Hoằng pháp TW GHPGVN để lấy đó làm tư lương trên con đường Hoằng pháp lợi sinh. Thượng tọa mong muốn Ban Hoằng pháp TW GHPGVN tổ chức thêm nhiều khóa tập huấn nữa, để chư Tăng Ni có thể đi đúng với kim chỉ nam và đường hướng chỉ đạo của TW GHPGVN. Đối với tỉnh Cà Mau, là một tỉnh mới còn non trẻ, số lượng Tăng ni còn rất ít nhưng số lượng Phật tử lại đông cho nên cần những Tăng ni có hoài bão, tâm huyết. Vì ở nơi vùng sâu vùng xa, Tăng ni phải chịu nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn cho nên Tăng ni thường sẽ tập trung ở Thành phố lớn. Do vậy mà Phật giáo ở vùng đất đó còn rất nhiều trở ngại. Thượng tọa nhận thấy rằng, để thuận lợi hơn cho Tăng ni và bà con Phật tử được tiếp cận với lời Phật dạy, việc hoằng pháp trên nền tảng số được coi là giải pháp tối ưu. Nhưng do tình hình kinh tế ở địa phương còn khó khăn nên việc đầu tư thiết bị mạng lại không hề dễ dàng, cũng là điều khiến Phật giáo Cà Mau ưu tư.

Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN cùng chư Tôn đức lãnh đạo ngành Hoằng pháp đã lắng nghe ý kiến của hai vị đại diện cho Tăng Ni tham dự khóa tập huấn. Đồng thời sẽ thảo luận, bàn bạc để đưa ra những phương án hoằng pháp phù hợp với thời đại phát triển ngày nay cũng như phù hợp với từng vùng miền.

Diệu Tường

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC