Tham dự chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của HT. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; cùng chư Tôn đức Phó Trưởng Ban Trị sự tỉnh: ĐĐ. Thích Quảng Nguyên, ĐĐ. Thích Hạnh Nhẫn, ĐĐ. Thích Viên Như; cùng chư Tôn đức Tăng Ni trong BTS tỉnh, chư Tôn đức trụ trì các chùa trong toàn tỉnh cùng tham dự.
Khách mời có ông Võ Trọng Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; ông Phan Quốc Khánh – Trưởng ban Tôn giáo tỉnh; ông Nguyễn Hồng Phong – Trưởng phòng An ninh Nội địa Công an tỉnh; ông Võ Anh Tuấn – Phòng Tôn giáo Dân tộc UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh; ông Nguyễn Trọng Hiếu – Chủ tịch UBND T.p Hà Tĩnh; ông Trần Nam Hồng – nguyên Phó bí thư thường trực tỉnh ủy; ông Trần Minh Kỳ nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh; ông Hà Văn Thạch – nguyên Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo UBND, UBMT TQ Thành phố Hà Tĩnh; đại diện Đảng ủy – UBND phường Đại Nài cùng đông đảo Phật tử nhân dân về tham dự lễ.
Đại lão chư Tôn đức, Đại đức Thích Quảng Nguyên - Phó ban Thường trực, Trưởng ban Kinh tế Tài chính Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã cung tuyên tiểu sử Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Ngài với Dân tộc và Đạo pháp.
Theo đó, Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một nhân vật lịch sử của nước Việt. Vua Trần Nhân Tông sinh năm 1258, lên ngôi năm 1279, xuất gia năm 1298 và mất vào năm 1308.
Tiểu sử ghi lại Ngài học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, được Thượng Sĩ hết lòng hướng dẫn và trao đổi những yếu nghĩa Thiền tông. Năm 1285, Ngài đã lãnh đạo và chiến thắng cuộc xâm lăng Nguyên – Mông lần thứ nhất. Năm 1288 Ngài lại chiến thắng quân Nguyên – Mông lần thứ hai. Có hai câu thơ còn lưu lại về việc này; “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá. Non sông muôn thuở vững âu vàng”.
Năm 1293, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1294, Ngài cầm quân sang chinh phạt Ai Lao, giữ yên bờ cõi và làm cho nước Triệu Voi tiếp tục thần phục Đại Việt.
Sau đó Ngài về Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ Xuất gia, tập sự tu hành. Năm 1299. Ngài quyết tâm trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử – Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa.
Năm 1307, Ngài truyền Y Bát lại cho Tôn giả Pháp Loa, làm Sơ Tổ Trúc Lâm. Ngài để lại cho hậu học một số tài liệu vô cùng quý báu như: Trần Nhân Tông thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trung hưng Thực Lục, Truyền Đăng Lục v.v….
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thành kính dâng lời tưởng niệm công hạnh đặc biệt của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông với Dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Lời tưởng niệm nhấn mạnh: Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là một vị anh hùng dân tộc, mà còn là nhà văn hóa lớn, bậc xuất trần thượng sĩ, người khai sáng dòng thiền mang đậm bản sắc Việt Nam, biểu tượng của sự hòa quyện giữa đạo pháp và dân tộc.
“Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như Tổ Sư đã dạy: “Tất cả Pháp không sinh. Tất cả Pháp không diệt. Ai hiểu được nghĩa này. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi”. Do đó, dù thời gian có đi qua 716 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ Sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp dân tộc, phát huy Đạo pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau.”,
Tiếp đó, chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử và đại chúng trang nghiêm đối trước tôn tượng Ngài dâng nén tâm hương, thành kính đảnh lễ hướng lòng về non thiêng Yên Tử, nơi Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, lập ra Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, một dòng thiền đặc sắc, nhập thế mang bản sắc riêng của Việt Nam được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc.
Với những đóng góp to lớn cho dân tộc và đạo pháp, Ngài được tôn vinh là Điều Ngự Giác Hoàng những đóng góp vĩ đại trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, người anh hùng, nhà văn hóa vĩ đại, bậc đạo sư Thiền của đất nước Việt.
Nhân dịp này - là ngày truyền thống hằng năm, toàn thể Tăng Ni, Phật tử, Ban Trị sự Phật giáo các huyện thị trong tỉnh tề tựu về ngôi Tổ đường chùa Cảm Sơn dâng hương hoa lễ vật, những đạo tràng Phật tử tự gói bánh, sắm sửa, cùng soạn mâm cúng dâng lên chư Tổ bày tỏ lòng ngưỡng vọng, tri ân của thế hệ hôm nay đối với bậc tiền nhân vì đạo pháp dấn thân với bao thăng trầm theo vận mệnh của đất nước, có mất mát và bi ai nhưng lịch đại tiền nhân vẫn là viên than hồng giữ ấm...cháy âm thầm tiếp thêm cho “ngọn lửa” Phật pháp được sáng mãi trên quê hương Hà Tĩnh hôm nay.
Tại lễ tưởng niệm, chư Tôn đức dâng hương cùng toàn thể đại chúng cùng hướng lòng tưởng nhớ tri ân lịch đại chư vị Tổ sư truyền giáo truyền giới, và các bậc tiền nhân công đức khai sáng già lam cống hiến cho đạo pháp trên quê hương Nghệ Tĩnh qua các thời kỳ.
Lễ tưởng niệm là thể hiện tinh thần tri ân, giáo dục các thế hệ tương lai có trách nhiệm với lịch sử, luôn trân trọng giữ gìn và phát huy những tinh hoa của các bậc tiền nhân, tiếp nối tinh thần xây dựng đạo pháp xuyên suốt chiều dài nét văn hóa của dân tộc Việt.
Được biết, năm nay là lần thứ 8 lễ tưởng niệm lịch đại chư vị Tổ sư Phật giáo Nghệ Tĩnh được tổ chức kể từ khi Phật giáo Hà Tĩnh được khôi phục lại.
Trước đó tại Tổ đường chùa Cảm Sơn, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã cử hành nghi lễ cúng Lịch đại chư vị Tổ sư hoằng truyền Phật pháp trên đất Xứ Nghệ, toàn thể chư Tôn đức và hàng trăm Phật tử đã vân tập về chánh điện chùa Cảm Sơn tụng kinh, niệm Phật, bái lạy chư Tổ, cầu nguyện quốc thái dân an.