Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 03/01/2018 23:15 PM 
Đêm hội hoa đăng kính mừng Khánh đản Đức Phật A Di Đà chùa Thái Lạc
Tối ngày 1 tháng 1 năm 2018, nhằm ngày 15 tháng 11 năm Đinh Dậu, tại chùa Thái Lạc - thôn Thái Lạc - xã Lạc Hồng - huyện Văn Lâm - tỉnh Hưng Yên đã trang nghiêm tổ chức đêm hội hoa đăng kỷ niệm ngày Khánh đản Đức Phật A Di Đà với sự tham dự của đông đảo nhân dân Phật tử địa phương.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN; Thượng tọa trụ trì Thích Quảng Hòa - Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên, trưởng ban tổ chức đêm hội; Thượng tọa Thích Thiện Tài - Ủy viên BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Giáo thọ sư Thiền viện Trúc lâm Sùng Phúc; Ni sư Thích Đàm Thành – Phó BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên cùng đại diện Chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa lân cận.
Về phía chính quyền có: Ông Phạm Văn Hùng – Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐND xã Lạc Hồng; Bà Ngô Thị Lương – Phó bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng cùng quý vị lãnh đạo đại diện các cấp chính quyền và hơn 600 nhân dân Phật tử trong vùng đã cùng về tham dự buổi lễ.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sau khi cung thỉnh chư tôn đức quang lâm lễ đài, Thượng tọa trụ trì Thích Quảng Hòa đã tuyên đọc diễn văn khai mạc đêm hội hoa đăng kỷ niệm ngày Khánh đản Đức Phật A Di Đà. 

 
 
 
 

Tiếp theo chương trình là nghi thức dâng hương của chư tôn đức chứng minh. Và giây phút thiêng liêng nhất của buổi lễ chính là nghi thức truyền đăng. Trước kim thân Đức Phật A Di Đà, ánh sáng từ ngọn nến trên tay Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã được truyền trao tới chư tôn đức Tăng Ni, và Thượng tọa trụ trì đã truyền ánh sáng đó tới hàng Phật tử. Từng ngọn nến được thắp sáng lên, trong không gian bao la rộng lớn, trong tiết trời giá lạnh, ngọn nến ấy tuy nhỏ nhoi nhưng lại có thể thắp sáng lên cả một vùng trời tối tăm. Ánh sáng lan tỏa mang hơi ấm đến mỗi người con Phật, xua tan đi giá lạnh của đêm đông, thắp sáng lên niềm tin, sự thông tuệ và khắc sâu vào lòng mỗi người con Phật.
Sau khi lắng nghe quý thầy tuyên đọc 48 đại nguyện của Phật A Di Đà, cả đạo tràng cùng thành kính đối trước tôn ảnh của đức Từ phụ, trang nghiêm thành kính phát nguyện trọn đời niệm Phật, giữ vững niềm tin, học theo hạnh từ bi trí tuệ của Ngài để có được an lạc ngay trong thời khắc hiện tại và khi xả bỏ thân này sẽ sinh về cảnh giới Tây phương Cực lạc.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tiếp đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng, nhắc nhở đại chúng nhớ đến những hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà để cầu nguyện vãng sinh Tây phương Cực lạc – nơi Ngài làm giáo chủ. Trong cảnh thanh tịnh, trang nghiêm của chốn thiền môn cổ tự, tất cả Chư Tôn Đức Tăng Ni, chư vị quan khách cũng như Phật tử vừa lắng lòng tâm tư, nhất tâm xướng niệm hồng danh của Ngài qua 48 lời thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà khi Ngài còn đang tu nhân hạnh của giới Tỳ khiêu với pháp danh là Pháp Tạng. Hòa thượng nhấn mạnh “Qua nghe 48 điều nguyện, chúng ta đã thấy hạnh nguyện của Phật A Di Đà cũng như hạnh nguyện của 10 phương chư Phật đều cùng một mục đích là tự giác, giác tha để đi đến giác hạnh viên mãn. Tức là, thứ nhất phải giác ngộ cho bản thân mình, tu tập cho viên thành chính giác rồi đem những điều giác ngộ đó lan tỏa cho những người xung quanh mình. Và cuối cùng, cùng nhau tu tập để sớm lên đường giải thoát, giác ngộ”.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo chủ là thầy dạy trong ba cõi, cha lành chung bốn loài, Ngài ứng thân trong cõi Ta Bà, trong dòng vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da cách nay 2638 năm để thuyết pháp độ sinh. Trong suốt 49 năm độ thế, thuyết pháp, Đức Phật luôn luôn tùy theo căn cơ của chúng sinh mà hóa độ, cũng chính vì thế mà người viết ra Tam thừa – Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa để chung quy về Nhất Phật thừa. Trong phương tiện đó, Đức Phật giới thiệu cho tất cả chúng sinh biết được các thế giới xung quanh của thế giới Ta Bà mà chúng ta đang ở. Hay nói cách khác, xung quanh hành tinh của chúng ta còn có rất nhiều hành tinh khác mà khoa học đang chứng minh thì cách nay hơn 2500 năm, Đức Phật đã nói: “Bên cạnh thế giới Ta bà còn có thế giới của mười phương Đức Phật khác”. Trong đó có thế giới phương Đông của Đức Phật Dược Sư và thế giới phương Tây của Đức Phật A Di Đà nhằm mục đích phổ vị thế giới tất đạt cho tất cả những ai muốn hướng về tương lai tươi sáng tốt đẹp. Phật dạy chúng ta phải xây dựng cõi thế giới chúng ta đang sống hiện tại. Nói cách khác, chúng ta phải biết tin sâu luật nhân quả. Bản kinh Dược Sư, bản kinh A Di Đà là 2 bản kinh được Chư Tôn Đức Tăng Ni GHPGVN và đặc biệt là Phật giáo Miền Bắc đưa vào hệ thống kinh điển tụng hằng ngày, đó là bộ Kinh Nhật tụng. Bản kinh Dược sư giới thiệu về hạnh nguyện của Phật Dược Sư khi Ngài còn đang tu nhân Bồ Tát đạo, Ngài cũng lấy 12 điều nguyện làm mục đích tu tập để hướng tới thành Phật và 12 điều nguyện đó nói lên bản hoài của Phật là khi thành Phật rồi lại tế độ chúng sinh để chúng sinh cũng được thành Phật như mình. Bản kinh A Di Đà cũng giới thiệu về Đức Phật A Di Đà – Giáo chủ cõi Cực lạc phương Tây. Ngài được thành Phật là bởi vì khi tu nhân hạnh của giới tỳ khưu với Pháp danh Pháp Tạng cũng đã phát ra 48 lời thệ nguyện. Trong 48 lời thệ nguyện đó, đầu tiên là “Khi tôi được thành Phật thì tôi sẽ …” hay nói một cách khác, đây chính là những điều kiện để người được thành Phật hay chính là mục tiêu phấn đấu của Chư Phật.
Qua đó, Hòa thượng chia sẻ với hàng Phật tử “Hôm nay, chúng ta vừa được cung kính lắng nghe 48 lời thệ nguyện đọc rõ ràng, rành mạch, cung kính. Chúng tôi và cả quý vị sau mỗi lời nguyện đều niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, không kể Tăng Ni hay là Phật tử cho tới các vị quan khách không phải là Phật tử nhưng tín kính Đức Phật cùng thập phương nhân dân có mặt ở đây đều chung một lòng hướng về Phật, niệm lên hồng danh của Ngài. Trong lúc xướng niệm đó, tâm tưởng nghĩ rằng: “Xin Đức Phật từ bi gia hộ, Ngài đã làm theo những điều nguyện đó, phát nguyện để được thành Phật thì con hôm nay cũng nguyện được theo chân Ngài. Bởi vì Ngài là Đức thầy mà chúng con là học trò noi theo, bởi vì Ngài là Đấng cha lành, chúng con là những đứa con nhỏ phải theo dấu chân cha”. Lời thệ nguyện của Ngài đọc lên để tất cả mọi hành giả nương đó mà tu tập. Từ nguyện của Đức Phật Dược Sư giáo chủ cõi phương Đông cho đến lời nguyện của Đức Phật Di Đà giáo chủ cõi phương Tây, chúng ta ngược dòng trở lại thời gian, hơn 2500 năm trước, khi Bồ tát Tất Đạt Đa còn đang tu khổ hạnh trong rừng già, sau khi đổi phương pháp tu, tới sông Ni Liên Thiền, trải cỏ Cát Tường dưới gốc cây Tất Bát La, cũng với lời thệ nguyện “Ta dù thịt nát xương tan, nếu không đắc đạo chẳng hề đứng lên”. Để rồi 49 ngày sau, Bồ Tát đã giác ngộ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni để Phật giáo chúng ta chuẩn bị hướng vào ngày kỷ niệm đó, đó là ngày 8/12 Âm lịch. Rồi cho đến các vị Bồ Tát như Bồ Tát đại hạnh Phổ Hiền với 10 điều nguyện, Bồ Tát Quán Thế Âm 12 điều nguyện, Bồ Tát Địa Tạng 2 điều nguyện. Chư Phật, chư Bồ Tát phát nguyện để thành chính giác để độ chúng sinh thì hôm nay chúng ta cũng phát nguyện học theo điều nguyện đó để tin sâu, để cầu sinh Tịnh độ. Không phải cầu sinh Tịnh độ để ta bỏ thế giới này, bỏ quê hương đất nước này mà đi tìm nơi khác. Về được Tây Phương Cực Lạc là kết quả của việc tu tập ngay trong cõi đời hôm nay và kết quả mai sau. Vậy thì trong cõi đời này, từ đất nước Việt Nam thân yêu này, xứ sở quê hương Hưng Yên này, chúng ta xây dựng để biến thế giới ngũ trược này trở thành ngũ tịnh hay biến thế giới Ta Bà khổ đau trở thành thế giới Cực lạc, một thế giới an lành trong hiện tại. Và từ thế giới an lành trong hiện tại, khi mãn kiếp con người, nhắm mắt xuôi tay, nhờ sức tu tập ở đời hiện tại, nhờ sức niệm Đức Phật Di Đà và Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Thế Chí cùng các vị Bồ tát ở cõi Liên Trì, tiếp dẫn chúng ta trở về cõi Cực Lạc Phương Tây”.
Nhân dịp này, Hòa thượng đã tán thán công đức của Thượng tọa trụ trì bởi luôn hướng tới sự tu tập cho mọi người, luôn tổ chức các khóa tu hướng tới giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Hòa thượng bày tỏ niềm hoan hỷ bởi “trong buổi tối đêm hội hoa đăng hôm nay, tiếng cười, nét mặt rạng rỡ, ngây thơ của các bạn trẻ, cùng với tiếng niệm Phật của các cụ già và các vị quan khách tạo nên một Pháp hội tràn đầy sức sống, có già, có trẻ. Già nương tựa vào trẻ, trẻ học hỏi ở già. Trước đây các cụ, các ông, các bà, cô chú theo cha mẹ ra chùa, giờ đây vẫn trở lại chùa nhưng dắt theo đàn con nhỏ, dắt cháu, dắt chắt về chùa. Ngọn đèn đăng được tiếp nối trong nghi lễ hôm nay cũng mang ý nghĩa đó và chính như vậy là sự truyền thừa tiếp nối cho mạng mạch Phật giáo được tiếp nối trường tồn. Trong các pháp môn tu thì pháp môn tu Tịnh độ dễ tu, dễ chứng nhất vì chỉ nhất tâm chuyên trì niệm hồng danh của Phật. Trọn chữ Nam mô A Di Đà Phật hoặc A Di Đà Phật đều được. Đó là pháp môn tu mà Phật dạy rằng 10 câu niệm Phật sẽ được vãng sinh. Thầy tỳ khưu Pháp Tạng, tiền thân của Đức Phật A Di Đà đã nguyện như vậy. Đối với chúng tôi cũng như Chư Tôn Đức Tăng Ni, hằng ngày, đều niệm Phật và đều nguyện về Tây Phương Tịnh độ. Rất mong tất cả các quý Phật tử, tất cả các bạn trẻ ngồi đây đừng nghĩ rằng già rồi, khó tu, khó niệm. Còn một hơi thở, miệng còn nói được một câu thì đừng một ngày quên tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Đối với các bạn trẻ cũng đừng nghĩ rằng tuổi còn dài, tu làm gì vội. Vô thường không đợi bất kỳ ai, sinh có hẹn tử vô kỳ. Vậy thì tất cả mọi người trong nhà hãy cùng nhất tâm niệm Phật, đưa pháp môn Niệm Phật vào trong cuộc sống. Già trẻ, gái trai, người tin Phật, người tu Phật đã vậy nhưng còn những người không tu Phật nhưng chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian nơi đình đền, miếu mạo, ảnh hưởng tư tưởng của Phật giáo nơi phụng thờ tổ tiên thì cất tiếng đầu tiên niệm trước nơi linh tiêng, nơi thờ phụng đó cũng đều niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật đó đã đi sâu vào trong lòng mọi người và hiện thực trong cuộc sống”.
Trong đêm hội hoa đăng này, Hòa thượng cũng đã giảng giải cho đại chúng hiểu về ý nghĩa của những ngọn đèn mà hàng Phật tử cầm trên tay. Đó chính là nói lên tinh thần tiếp nối ngọn đèn chính pháp của chư Tổ trong pháp môn tu trì niệm Phật. Ngọn đèn ánh sáng này như ánh sáng trí tuệ soi rọi tâm khảm của chúng ta cũng như ngọn đèn phá đi đêm đông giá lạnh, đóng băng trong lòng mọi người đó là ba độc tham, sân, si. Giờ đây hơi Trí tuệ hâm nước nóng lên, ngọn lửa thắp sáng nóng lên để phá tan cục băng còn tồn tại trong mỗi con người. Chúng ta từ bấy lâu nay đều vì nó trong lòng mà trôi lăn trong vòng sinh tử. Nay sức nóng này phá tan đi cục băng này để trở về với chân tâm của mình mà mỗi con người đều có. Đêm hội hoa đăng này thắp lên ánh sáng còn một ý nghĩa nữa là khơi dậy lòng người quy tụ về chùa. Dịp hoa đăng này, quý vị Tăng ni và nhân dân Phật tử mới được gặp nhau. Các vị quan khách, chính quyền, quý vị nhân dân không kể già, trẻ, gái, trai, sang, giàu, nghèo, hèn đều quy tụ về đây. Như vậy, tất cả mọi người con Phật, không phân biệt bất kỳ ai đều được ánh sáng từ bi của Đức Phật soi rọi qua ngọn nến bên cạnh chúng ta. Chúng ta hãy thắp sáng ngọn nến đó bằng trái tim của mình để mọi người luôn luôn có Phật hiện tiền. Có Phật hiện tiền thì ma chướng sẽ bị tiêu tan. Có Phật hiện tiền thì làm mọi công việc luôn được thành tựu trong tuệ giác. Có Phật hiện tiền thì sống trong sự tỉnh thức, yêu thương và tất cả những thói hư, tật xấu đều tiêu tan. Nếu chúng ta làm được như vậy thì chúng ta ngồi trong pháp hội này, ngồi trong Đêm hội Hoa đăng này mới thực sự có ý nghĩa. 
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng đại chúng “hãy luôn luôn thường trực Phật trong lòng ta. Muốn được như vậy, ta phải luôn luôn niệm Phật, hướng về Tây phương trọn đời, là cảm thông với hào quang của mười phương chư Phật để cầu nguyện một ngày đêm 24h an lành, phúc thọ được tăng long đến khi mạng chung được sinh về thế giới Di Đà Lạc quốc”.
Buổi lễ đã kết thúc trong tiếng niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" âm vang, trong niềm hỷ lạc của toàn thể hội chúng.

 
 
 
 
 
 
 
 

BBT website
Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC