Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 22/11/2023 12:54 PM 
Lễ rước di ảnh Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ về Việt Nam Quốc Tự
Sáng ngày 21-11, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Chánh Chủ đàn cùng chư tôn đức Ban Kiến đàn Đại giới đàn Bửu Huệ Phật lịch 2567 do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức đã vân tập về chùa Huệ Nghiêm thành kính đảnh lễ, cung thỉnh pháp tướng Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ về Việt Nam Quốc Tự.
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Chánh Chủ đàn khải bạch và dâng hương đảnh lễ

Hòa thượng Thích Lệ Trang, Chánh Chủ đàn khải bạch và dâng hương đảnh lễ

Tại tổ đường chùa Huệ Nghiêm (Q.Bình Tân, TP.HCM), Hòa thượng Chánh Chủ đàn đã khải bạch, niêm hương, sau đó, cùng chư tôn đức Ban Kiến đàn thành kính đảnh lễ và cung rước di ảnh Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ về Tuyển Phật trường - Việt Nam Quốc Tự.

Trưởng lão Hòa thượng pháp danh thượng Tâm hạ Ba, tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ, thuộc đời 41 dòng Lâm Tế và đời 43 thuộc phái Thiên Thai; húy danh: Nguyễn Văn Ba, sinh năm Giáp Dần (1914) tại xã Tân Hương, H.Bến Tranh, tỉnh Ðịnh Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Hòa thượng sinh trưởng trong một gia đình trung nông, giàu lòng kính tin Tam bảo. Thân phụ là ông Ðặng Văn Cử, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thu. Hòa thượng theo họ mẹ, là người con thứ hai trong gia đình gồm hai anh em.

Cung thỉnh pháp tướng Trưởng lão Hòa thượng rời tổ đường chùa Huệ Nghiêm quang lâm giới trường Việt Nam Quốc Tự

Cung thỉnh pháp tướng Trưởng lão Hòa thượng rời tổ đường chùa Huệ Nghiêm quang lâm giới trường Việt Nam Quốc Tự

Năm 1938, khi được sự chấp thuận của song thân, ngài quy y với Hòa thượng Pháp Long, thuộc dòng Lâm Tế, trụ trì chùa Thiên Phước tại Tân Hương. Ngài được Hòa thượng Bổn sư chỉ dạy kinh Phật và hướng dẫn đọc các tạp chí Phật học như: Từ Bi Âm, Duy Tâm, Viên Âm, Ðuốc Tuệ...

Năm 1944, Hòa thượng thế phát xuất gia tại chùa Thiên Phước. Tám tháng sau, ngài thọ giới Sa-di ở chùa Long Quang, Vĩnh Long.

Năm 1946, Hòa thượng Trí Tịnh và Hòa thượng Thiện Hoa khai mở Phật học đường tại chùa Phật Quang, Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long). Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho phép tham dự Lớp Sơ đẳng Phật học tại đây trong hai năm.

Việt Nam Quốc tự - Trụ sở của GHPGVN TP.HCM

Việt Nam Quốc tự - Trụ sở của GHPGVN TP.HCM

Năm 1948, Phật học đường Liên Hải được thành lập tại chùa Vạn Phước, xã Bình Trị Ðông, do Hòa thượng Trí Tịnh làm Giám đốc. Ngài cùng với các huynh đệ đồng học Lớp Sơ đẳng Phật học, tiếp tục tham dự Lớp Trung đẳng Phật học trọn khóa ba năm tại đây.

Năm 1949 tại Phật học đường Liên Hải mở Giới đàn, ngài được Ban Giám đốc cho thọ Tỳ-kheo và Bồ-tát giới. Năm 1951, ngài hoàn tất chương trình Trung đẳng Phật học.

Thành kính đảnh lễ

Thành kính đảnh lễ

Năm 1954-1964, ngài bế quan tại tịnh thất Nam Tuyền, xã Tân Hương, tỉnh Định Tường. Nhận được sự hộ trì tận tâm từ gia đình người anh ruột về vật chất, ba năm đầu kết thất, bằng pháp môn Thiền - Tịnh song tu, ngài đã hàng phục vọng tâm, an định nội ma, diệt trừ ngoại chướng, dung hòa chơn tục, tỏ tường diện mục, xuất nhập thong dong, an nhiên tự tại.

Năm 1964, nhận lời mời của Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, ngài chính thức đảm nhiệm Giám đốc Trường Trung đẳng Phật học chuyên khoa đặt tai chùa Huệ Nghiêm. Năm 1965 đổi thành Phật học viện Huệ Nghiêm để đào tạo Tăng tài, gánh vác trọng trách Giáo hội.

Chùa Huệ Nghiêm nơi ghi dấu ấn cuộc đời hành đạo của Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ

Chùa Huệ Nghiêm nơi ghi dấu ấn cuộc đời hành đạo của Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ

Năm 1970, Viện Cao đẳng Huệ Nghiêm thành lập do Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Viện trưởng, ngài làm Phó Viện trưởng đồng thời đảm nhận giảng dạy môn Biện trung biên cho Tăng sinh.

Năm 1974, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã giao trách nhiệm điều hành các cơ sở trực thuộc tổ đình Ấn Quang do Hòa thượng sáng lập lại cho ngài quản lý, với chức vụ Phó Tổng lý sau này Trưởng ban Quản trị để điều hành.

Việt Nam Quốc Tự - ngôi chùa lịch sử

Việt Nam Quốc Tự - ngôi chùa lịch sử

Từ năm 1965 đến 1969, ngài đã tổ chức nhiều Đại giới đàn tại Phật học viện Huệ Nghiêm, cũng như nhận lời làm Giáo thọ A-xà-lê cho các Đại giới đàn để truyền trao giới pháp cho hàng hậu học tấn tu đạo nghiệp.

Năm 1976, ngài đã dạy Tăng sinh tại Phật học viện Huệ Nghiêm mở ra chương trình kết thất tịnh tu cho chư Tăng tại bổn viện, lấy lục tự Di Đà làm pháp môn hành trì với tông chỉ một đời vãng sinh Tây phương Tịnh độ.

Vào lúc 14 giờ, ngày 27 tháng 10 năm Tân Mùi (2-12-1991), ngài tắm gội sạch sẽ, gọi đại chúng đến phương trượng, nói lời từ biệt và xả báo an tường. Ngài trụ thế 78 năm, 42 hạ lạp.

Hòa thượng Thích Lệ Trang xướng lễ đảnh lễ Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ

Hòa thượng Thích Lệ Trang xướng lễ đảnh lễ Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ

Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ đã hiến trọn cuộc đời thanh tu của mình cho Đạo pháp và chúng sinh. Hơn 40 năm không kể gian lao, chẳng từ khó nhọc, bằng tấm lòng từ bi vô ngã, bình đẳng vị tha, ngài đã tận tâm trong sự nghiệp đào tạo Tăng tài và dẫn dắt tín đồ Phật tử bước theo con đường Chánh pháp. Tôn hiệu của Ngài được thỉnh đặt tên cho Đại giới đàn để các giới tử nương hạnh sáng và giới đức thanh cao của ngài tiến tu trên đường đạo, trở thành những bậc kế thế đạo mầu, làm rạng danh dòng họ Thích.

Sau khi cung thỉnh tôn dung Trưởng lão Hòa thượng an vị tại giới trường Việt Nam Quốc Tự, chư tôn đức Ban Kiến đàn, Hội đồng Giới sư và toàn thể giới tử đã thành kính đảnh lễ Giác linh.

Theo chương trình, Đại giới đàn Bửu Huệ chính thức khai mạc vào lúc 8 giờ và chiều nay, các điểm truyền giới sẽ chính thức đăng đàn truyền Sa-di, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni và Tu nữ.

Một số hình ảnh ghi nhận được trong sáng nay:

Chư tôn đức Ban Kiến đàn, Hội đồng Thập sư nhị bộ thành kính đảnh lễ Pháp tướng Đại lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ tại giới trường Việt Nam Quốc Tự

Chư tôn đức Ban Kiến đàn, Hội đồng Thập sư nhị bộ thành kính đảnh lễ Pháp tướng Đại lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ tại giới trường Việt Nam Quốc Tự

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC