Trong buổi chia sẻ này, Hòa thượng đã nói về những tiêu chuẩn và những nguyên tắc vàng để vị giảng sư thành công khi làm nhiệm vụ truyền bá chính pháp của Đức Thế Tôn. Theo Hòa thượng, Hoằng pháp là một nghệ thuật có kỷ cương và có trách nhiệm. Nếu không có hai điều đó, chắc chắn hoằng pháp sẽ không đi sâu và in đậm vào lòng công chúng.
Hòa thượng đã đưa ra 3 nguyên tắc người tu sĩ Hoằng pháp cần phải có:
Thứ nhất là Nghệ thuật để hoằng pháp: lấy công chúng làm trọng tâm, trung tâm để người Giảng sư hướng đến. Đối với Phật giáo Nam Tông Khmer, khi xuất gia tu tập và hành đạo, để trở thành một vị Pháp sư, chư Tăng dù không được tham dự bất kì lớp tập huấn nào cũng phải tự trở thành một vị Pháp sư lỗi lạc để hướng dẫn Phât tử tu tập, thể hiện qua việc biết điều tiết giọng nói, âm điệu và ngôn từ sao cho phù hợp với ngữ cảnh thuyết giảng để đi vào lòng người, tạo được niềm tin và sự hoan hỷ với công chúng. Hơn nữa, vị Pháp sư khi ngồi trên pháp tòa phải có sự trang nghiêm, thanh tịnh. Bởi người Hoằng pháp không chỉ hoằng pháp bằng ngôn từ mà còn phải bằng hình ảnh. Đó cũng là một nghệ thuật để truyền bá Giáo pháp tới quần chúng nhân dân. Người Hoằng pháp cần rải những hạt giống tốt lành để những cây quả tốt tươi sẽ đâm chồi nảy lộc, đừng để cỏ dại có cơ hội mọc lên.
Thứ hai là Hoằng pháp phải có kỷ cương. Người tu sĩ khi xuất gia, khoác trên mình chiếc áo cà sa thì cần phải giữ tác phong chuẩn chỉnh, oai nghi tế hạnh. Đó chính là kỷ cương. Điều tiếp theo Hòa thượng muốn gửi gắm tới chư Tăng Ni, đó là giảng pháp cần có tuần tự, tùy theo căn cơ của từng chúng sinh mà thuyết pháp, để ý tới những yếu tố ngoại cảnh (thời tiết, không gian, văn hóa địa phương) để khéo léo thuyết giảng, đặc biệt phải lấy giáo lý làm căn bản và cốt lõi để giúp Phật tử rời mê khai ngộ. Không thể giảng pháp tùy tiện, như vậy sẽ không đạt được hiệu quả. Đối với Phật giáo Nam Tông Khmer, chư Tổ đã dạy “các vị phải học nghe nhìn. Nghĩa là nhìn vào Pháp hội, cảm nhận không khí Pháp hội đó như thế nào, đối tượng nghe pháp là ai, để từ đó chọn ngôn từ giảng dạy cho phù hợp với đối tượng nghe pháp”.
Thứ ba là người Hoằng pháp phải có trách nhiệm với bản thân, với Giáo hội và với Ban Hoằng pháp TW. "Mỗi người tu sĩ khi đã xuất gia thì phải gắn trách nhiệm bản thân với hình ảnh của Đức Phật, với hình ảnh của GHPGVN. Khi chúng ta nói hay làm bất cứ điều gì, hãy nghĩ tới việc điều đó có gây ảnh hưởng tới hình ảnh Tăng đoàn không? Có ảnh hưởng tới GHPGVN nói chung và Ban Hoằng pháp nói riêng hay không?" - Hòa thượng nhấn mạnh.
Sau buổi chia sẻ, Hòa thượng đã dành thời gian để giải đáp những câu hỏi về hoằng pháp của chư Tăng Ni tham dự khóa tu, khép lại buổi chia sẻ hoan hỷ và tràn đầy ý nghĩa.
Diệu Tường - Tường Huy - Tấn Được