Quang lâm chứng minh đại lễ có sự hiện diện của: HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN TP. Hà Nội, Đường chủ 18 Hạ trường trên địa bàn thành phố Hà Nội; TT. Thích Nguyên Thanh – Uỷ viên BTSGHPGVN thành phố Hà Nội, trưởng BTS GHPGVN quận Hoàng Mai; NS. Thích Đàm Thu – Trụ trì chùa Tương Mai cùng chư Tôn đức Tăng, Ni và hơn 500 nhân dân Phật tử địa phương tham dự.
Mở đầu chương trình, các ca sĩ nghệ sĩ đã dâng lên những lời ca tiếng hát mang ý nghĩa sâu dày về đạo hiếu, cúng dàng lên chư tôn đức nhân mùa lễ Vu lan năm nay.
Sau đó là nghi thức dâng hoa cúng dàng Tam Bảo của các bạn Thanh thiếu niên Phật tử chùa Tương Mai.
Trong không gian lắng đọng, toàn thể hội chúng đã được lắng nghe cảm niệm Vu Lan qua giọng đọc của Phật tử Lê Nga. Lời cảm niệm nghẹn ngào kết hợp với tiếng đàn bầu đến du dương, trầm bổng đến từ nghệ sĩ trẻ Trà My đã khiến cho không ít người phải rơi lệ khi nhớ về 2 đấng sinh thành của mình.
Trong giờ phút thiêng liêng ấy, các bạn Thanh thiếu niên Phật tử chùa Tương Mai đã thực hiện nghi thức cài hoa lên áo cho chư Tôn đức Tăng Ni và đại biểu tham dự.
Những đóa hoa vàng được cài lên tấm huỳnh y của chư Tôn đức, tượng trưng cho màu của sự giải thoát giác ngộ. Những bông hồng đỏ biểu trưng cho những ai còn cha, còn mẹ; những bông hồng thắm dành cho những ai đã mất cha hoặc mất mẹ; còn những bông hồng trắng sẽ dành lại cho những ai khi cả cha và mẹ đã lìa xa.
Cho dù cài hoa màu nào lên ngực nhưng tình yêu thương dành cho Cha và Mẹ vẫn dạt dào và luôn ở trong tim của mỗi người con Phật. Từ đó để nhắc nhở tự thân mỗi người hãy luôn làm tròn Hiếu đạo với ông bà Tổ tiên và với cha mẹ mình, cho dù cha mẹ còn tại thế hay cha mẹ đã quá vãng.
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng đã có lời đạo từ tới toàn thể hội chúng. Hoà thượng bày tỏ niềm hoan hỷ và tán thán công đức của Ni sư trụ trì Thích Đàm Thu, tuy tuổi đời đã lớn, nhưng vẫn luôn có tinh thần và nhiệt huyết với công tác Hoằng pháp, hướng dẫn các Phật tử tu tập theo đúng chính pháp.
Tại đây, Hòa thượng đã khẳng định sự đồng hành của Phật giáo trong lòng dân tộc trải qua suốt chiều dài hơn 2600 năm lịch sử, với những giá trị, nét đẹp văn hóa, tâm linh, đạo đức truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Một trong số đó là tinh thần Hiếu đạo. Là người con Phật cho dù là người xuất gia hay người tại gia lúc nào cũng phải luôn lấy Hiếu đạo làm đầu, Hiếu đạo với Cha Mẹ, với 2 đấng sinh thành và những người đã nuôi nấng, dạy dỗ để có được tấm thân như ngày hôm nay.
Như Đức Phật, tuy Ngài đã chứng đạo quả vô thượng Bồ Đề, chính đẳng, chính giác, thế nhưng Ngài vẫn luôn đề cao chữ Hiếu và luôn răn dạy các vị đệ tử của mình cũng phải như vậy. Trong điển tích vẫn ghi lại những lần Ngài về thăm và chăm sóc vua cha hay việc Ngài lên tận cung trời Đao Lợi để thuyết pháp độ cho Mẫu thân,… Hoặc như tấm gương Tôn giả Mục Kiền Liên nhờ oai lực của chư Tăng để cứu mẹ thoát khỏi địa ngục đớn đau.
Qua đây, Hòa thượng cũng sách tấn đến hàng Phật tử phải luôn sống trong tinh thần tri ân và báo ân, không chỉ nhớ tới công ơn của cha mẹ trong hiện tại, mà còn phải nhớ và nghĩ tới công ơn cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp, để từ đó tinh tiến trên con đường tu tập, làm nhiều việc thiện lành, đem công đức lành ấy hồi hướng cho Tổ tiên, ông bà, cha mẹ quá vãng được siêu sinh Tịnh Độ, cha mẹ hiện tiền được phúc thọ tăng long và luôn phải nhớ rằng “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.
Buổi lễ đã thành tựu viên mãn trong tinh thần hoan hỷ, tràn đầy đạo vị.
Diệu Tường