Chứng minh Hội nghị là sự hiện diện của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên thường trực HĐCM, Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Chính - Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN; Thượng tọa Thích Thanh Tuấn – Phó tổng thư ký, Chánh văn phòng I TW GHPGVN cùng chư Tôn đức Ủy viên HĐTS, Phó BTS GHPGVN thành phố Hà Nội: Hòa thượng Thích Thanh Hưng, Thượng tọa Thích Minh Tuấn, Thượng tọa Thích Minh Trí, Thượng tọa Thích Minh Tín, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Thượng tọa Thích Tiến Thông; Thượng tọa Thích Đạo Phong - Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN thành phố Hà Nội cùng chư Tôn đức Tăng Ni BTS GHPGVN thành phố Hà Nội.
Về phía chính quyền có: ông Đinh Văn Khóa – Phó trưởng Ban dân vận Thành ủy; bà Nguyễn Thị Kim Dung – Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; ông Phan Vũ – Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Thị Hồng Nhường – Đội trưởng đội Tôn giáo phòng PA02 Công an thành phố Hà Nội; cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho chính quyền các cấp.
Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn – Phó tổng thư ký, Chánh văn phòng I TW GHPGVN đã công bố quyết định của HĐTS GHPGVN về việc tấn phong Giáo phẩm cho 63 chư Tôn đức Tăng Ni thành phố Hà Nội.
Tại đây, 63 chư Tôn đức Tăng Ni được nhận Giáo chỉ tấn phong đã thực hiện nghi lễ đỉnh lễ Tam Bảo và đỉnh lễ vọng bái Đức Đệ tứ Pháp Chủ để nhận giáo chỉ do chư Tôn đức HĐTS trao tặng.
Tiếp tục chương trình, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời phát biểu khai mạc và chúc mừng tới 63 vị Tăng Ni được tấn phong Giáo phẩm.
Sau đó, hội chúng đã xem video clip và nghe Thượng tọa Thích Đạo Phong báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự năm 2024 của BTS GHPGVN thành phố Hà Nội.
Hà Nội là trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của cả nước, diện tích tự nhiên 3.344,7 km2, số lượng dân cư 8,5 triệu người. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hà Nội hiện nay có 30 Giáo hội cấp Huyện trực thuộc, số lượng Tăng Ni chính thức là 2.052 vị, số lượng Tự viện có 1.863 ngôi. Đây là sự kế thừa, hội tụ tinh hoa của hai truyền thống Phật giáo được hình thành và phát triển từ hàng ngàn năm trước. Đó là truyền thống Phật giáo Thăng Long và truyền thống Phật giáo xứ Đoài.
Trong năm vừa qua, Ban Trị sự GHPGVN Tp, Hà Nội, Ban Trị sự GHPGVN các quận, huyện, thị xã triển khai chương trình hoạt động Phật sự trên tinh thần lục hòa cộng trụ, với sức tinh tiến của những người con Phật. Do đó đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực công tác Phật sự như Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Nghi lễ và Từ thiện, Văn hóa.vv… Nổi bật nhất là công tác từ thiện xã hội với những hoạt động an sinh, giúp đỡ đồng bào với tổng kinh phí lên tới hơn 95 tỷ đồng.
Nổi bật nhất trong năm vừa qua, UBND thành phố cũng ban hành Quyết định số 2961/QĐ-UBND ngày 07/6/2024 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị N11, tỷ lệ 1/5.000 tại ô quy hoạch ký hiệu C4 tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm làm cơ sở nghiên cứu lập quy hoạch đồng bộ về quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật để triển khai lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô. Ban Thường trực Ban Trị sự đang tích cực hoàn thiện hồ sơ dự án trình UBND và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để được giao đất, xây dựng Trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó Ban Thường trực Ban Trị sự đã nhận chuyển nhượng lại khu nhà xưởng cũ trên khu đất công ký hiệu B12 - xã Đa Tốn của Công ty gốm Đất Việt để cải tạo lại làm Văn phòng điều hành công tác hành chính đạo – Dự án xây dựng Trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô và chính thức chuyển về hoạt động, thực hiện công tác hành chính Giáo hội từ ngày 06/9/2024.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, BTS Phật giáo thành phố cũng còn có những tồn đọng và sẽ nỗ lực khắc phục trong năm 2025, phát huy vai trò “Hộ quốc – An dân”, đồng hành cùng dân tộc.
Thay mặt chư Tôn đức chứng minh, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN nhận định, năm qua là một năm đầy thách thức, sóng gió, chưa có tiền lệ với PGVN. Nhưng Phật giáo TP. Hà Nội đã nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp chung vào Phật sự chung của GHPGVN.
Nổi bật là công tác Tăng sự, quản lý sinh hoạt tự viện ổn định; Đại giới đàn, An cư Kiết hạ trang nghiêm; Tăng Ni có điều kiện sinh hoạt tu học thuận lợi; Công tác hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử của các cơ sở tự viện vẫn tổ chức tốt qua các khóa tu, lễ hội, các khóa quy y Tam Bảo cho thanh thiếu niên, sinh viên, Phật tử.
Đặc biệt, đứng đầu là Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã không quản ngại tổ chức những khoá tu đón năm mới với không khí sinh hoạt hết sức ý nghĩa, mang đậm nét truyền thống văn hóa. Đồng thời, thể hiện sự nghiệp hoằng dương chính pháp cho đồng bào Phật tử và cho giới trẻ.
Nổi bật trên hết là gần 100 tỷ đồng trong công tác An sinh xã hội. Thượng tọa vô cùng tự hào khi Phật giáo Hà Nội đã chung tay đóng góp cùng với Thủ đô và trở thành một trong những tỉnh, thành phố đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Năm 2025, Ban Thường trực HĐTS mong muốn BTS GHPGVN TP sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện nghị quyết kỳ IV Khóa IX. Kỳ vọng về nguồn lực, tinh thần quyết tâm cao của chư Tôn đức Tăng, Ni Phật giáo Thủ Đô để các đại lễ được thành công viên mãn, đặc biệt là đại lễ Vesak Liên hợp quốc. Cùng với Phật giáo cả nước vững vàng tâm thế để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bế mạc Hội nghị, Hòa thượng Thích Thanh Chính - Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội đã gửi lời cảm tạ đến sự hiện diện tham dự của chư Tôn đức, quý khách chính quyền cùng đại diện Phật tử các Đạo tràng, khép lại hội nghị tổng kết thành tựu viên mãn.
Diệu Tường - Quang Phước