Trước nhất, Hòa thượng bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến Đức Pháp Chủ, Đức Phó Pháp Chủ và Ban tổ chức vì đã lưu tâm và tổ chức ra khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật cho chư Tăng Ni. Những bài chia sẻ của các vị Giảng sư đã chia sẻ trong ngày đầu tiên của Khóa bồi dưỡng rất trọng tâm, với những vấn đề mới mẻ mà trước giờ chư Tôn đức rất ít được tiếp cận, đặc biệt là những chia sẻ về giới luật của Trưởng lão HT Thích Minh Thông - Ngài hiện tại có thể coi là một vị tuyên Luật sư đệ nhất thời hiện đại.
Theo Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp TW, tất cả các nước có Phật giáo trên thế giới có rất nhiều tông phái, nhưng đặc biệt, điểm chung chính là giới luật. Giới luật Nam truyền hoặc Bắc truyền thì giới Kinh Tỳ kheo là quan trọng nhất. Do vậy, giới luật rất quan trọng.
Vì tính quan trọng của giới luật, nên chúng ta cần xây dựng tính kỷ cương ngay từ đầu. Bởi lẽ đó, Giới đàn là nền tảng quan trọng nhất của Tăng già. Tăng là một đoàn thể, bao gồm cả Thánh tăng và Phàm tăng, từ Phàm tăng tu hành để trở thành Thánh tăng, Tăng ở đây không phân biệt là Thánh hay Phàm. Tăng không có nghĩa là một cá nhân vị Tỳ kheo. Phật – Pháp – Tăng là 3 ngôi báu luôn luôn song hành, có Phật, có Pháp mà không có Tăng thì cũng không trọn vẹn. Đức Phật từng ca ngợi “Đức Tăng như hải”, ngày Phật hoan hỷ cũng là ngày chư Tăng tự tứ sau 3 tháng an cư. Do vậy, vai trò của Tăng rất quan trọng.
Trong buổi chia sẻ, Hòa thượng chú trọng vào 4 nội dung quan trọng của Giới đàn đó là: vị Tăng sĩ nói chung. Thứ 2 là người Thầy hay còn gọi là nghiệp sư, giới sư, giáo thụ sư. Thứ 3 là người học trò mới bắt đầu vào đạo, Giới tử cho đến Tăng sĩ trẻ và thứ 4 là cách tổ chức Giới đàn.
Đối với một vị Tăng sĩ trẻ, Hòa thượng nhấn mạnh dù ở vị trí nào cũng không được phép tự kiêu, ngã mạn. Dù Tăng là một trong 3 ngôi báu của Tam Bảo, là sứ giả của Như Lai, bậc thầy của trời và người. Mục đích của người tu là từ thân cắt ái xuất gia mong ra khỏi sinh tử luân hồi. Hòa thượng giải thích cụ thể về “Từ thân cắt ái” một cách chi tiết, cụ thể để Tăng sĩ một lòng tu hành cần từ bỏ ái luyến.
Tiếp theo, Hòa thượng cũng chia sẻ vai trò của người Thầy rất quan trọng trong việc dìu dắt tu sĩ trẻ trở thành một vị Hòa thượng, nghiệp sư. Vì vậy, quan hệ giữa người Thầy và học trò luôn gắn liền, khăng khít với nhau. Trong giới luật cũng đã dạy rằng người học trò không được xa rời thầy 7 bước. Người Thầy luôn luôn là bóng cây che chở, người xuất gia chỉ với mục đích duy nhất là tu tập để đạt tới giải thoát, an lạc và tiến tới giác ngộ. Vì vậy, người tu hành không được phụ thuộc vào các vấn đề công danh, địa vị và tài chính.
Trong kinh điển, Đức Phật nhắc rất nhiều về tâm Tàm Quý là sự hổ thẹn và sợ hãi, trong xã hội cũng như vậy. Người nào biết tàm quý, người đó biết vươn lên, chúng ta phải biết sợ hãi, biết hổ thẹn những việc mà chúng ta đang làm, để từ đó luôn luôn răn bản thân mình hãy nhìn lên gương chư Tổ và các bậc Thầy để tu. Bên cạnh đó, hãy luôn nhìn xuống dưới để thương tất cả mọi người. Hòa thượng nhắc lại về tấm gương của Tổ Đệ Nhất Pháp Chủ và Đệ Nhị Pháp Chủ, với những hành động cử chỉ nhỏ trong cuộc sống đời thường, luôn luôn quan tâm đến người trò, thế hệ sau. Để cho Tăng chúng được sống yên ổn lâu dài, Tăng chúng có lòng tin và tin tưởng, để cho Tăng chúng ngăn ngừa các lậu hoặc thì vai trò người Thầy là chính.
Hòa thượng cũng mong muốn Chư Tôn đức hãy cùng nhau củng cố những truyền thống, gia phong của Sơn môn để lại bằng những cuộc họp, cuộc gặp gỡ đặc biệt trong ngày giỗ Kỵ.
Qua đây, Hòa thượng cũng chia sẻ tới chư Tăng Ni trong khóa bồi dưỡng về tấm gương sáng của chư Tổ trong vai trò của người thầy đối với học trò và vấn đề ứng xử, lòng biết ơn, báo ân, tâm kính trọng của đệ tử đối với bậc Thầy hoặc giới sư, nghiệp sư của mình. Với người đệ tử, là người tiếp nối mạng mạch của Phật pháp, Hòa Thượng chỉ dạy phải có ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống. Cần phải lân mẫn gần gũi với Thầy tổ để học hỏi trau dồi giữ gìn nề nếp tông phong. Những giá trị đạo đức này phải luôn được đề cao gìn giữ, tiếp nối cho thế hệ tương lai và giúp cho việc giữ gìn bản sắc của Phật giáo không bị mai một.
Trong đại Giới đàn, Giới sư thanh tịnh, Giới tử chí thành, đàn tràng trang nghiêm thì mới đắc giới. Vai trò của Giới sư rất quan trọng, quan hệ giữa người nghiệp sư với đệ tử và Giới sư như kiềng 3 chân. Đối với việc tổ chức giới đàn Hòa Thượng chỉ dạy phải thực hiện theo đúng quy định của Hội Đồng Trị Sự và Ban tăng sự để có sự thống nhất trong khâu tổ chức và đặc biệt là phải giữ gìn được truyền thống lề lối. Giới đàn là đầu vào tuyển người làm Phật, nên vấn đề tuyển chọn, giáo huấn giới tử đầu vào phải thật cẩn thận để có được những hạt chắc, tốt giúp cho nền Phật giáo hưng thịnh.
Cuối cùng, Hòa thượng chia sẻ tâm nguyện mong sao Giới đàn của chúng ta là chuẩn mực, là gốc rễ nhất, là căn bản nhất. Cần gìn giữ ngôi Tam Bảo và Đặc biệt là Tăng bảo, bởi Tăng là người lưu truyền mạnh mạch Phật pháp mãi trên thế gian này.
Sau khi khép lại buổi chia sẻ, Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp TW và Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN đã dành thời gian lắng nghe và giải đáp những chia sẻ về Giới đàn của chư Tôn đức các tỉnh thành.
Được biết, chiều nay sẽ là buổi chia sẻ của Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Viện chủ chùa Đại Từ Ân. BBT sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới quý độc giả.
Diệu Tường - Quang Phước