Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Tư tưởng Phật giáo › Bài viết
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 18/06/2024 23:59 PM 
Ý nghĩa thí dụ ba cỏ, hai cây và người mù từ thuở nhỏ trong kinh Pháp hoa
Phật dạy mình nên suy nghĩ trước khi ra đời, mình là ai, còn mình đang sống đây thì ai là mình và mai kia bỏ thân tứ đại ngũ uẩn, mình là ai? Mình không biết con người thực của mình, mà chỉ biết thân này là mình và chỉ chấp thân này là mình, chấp sở hữu này là mình, chấp thế giới này là mình...

Tuần lễ đầu tu gia hạnh, chủ yếu hành giả lạy Phật để tạo mối quan hệ giữa mình với Phật và Bồ-tát.

Vì sanh trên cuộc đời này, mang thân tứ đại ngũ uẩn, nên mình quan hệ với tứ sanh lục đạo nhiều hơn, mà tứ sanh lục đạo phần nhiều là phiền não, nghiệp chướng, trần lao, nên mùa gia hạnh của mình tạm cắt phần phiền não, nghiệp chướng, trần lao, tức mối quan hệ giữa mình với chúng sanh trong lục đạo giảm đi, để tạo mối quan hệ giữa mình với Phật và Bồ-tát nhiều hơn, sự quan hệ ở trong thế giới tâm thức, thế giới siêu hình.

Khi lạy Phật là thân mình lạy Phật, nhưng tâm lạy Phật quan trọng hơn, cho nên mình ngồi yên, không lạy, nhưng tâm mình nghĩ đến Phật, nhắm mắt lại thấy Phật, đó là thấy Phật bằng tâm, kính trọng Phật cũng bằng tâm sẽ tạo được mối quan hệ bằng tâm giữa mình với Phật. Như vậy, Phật mới dạy rằng Phật và tâm trở thành một là mình cắt lìa được thế giới trần ai để đi vào thế giới Phật để sống. Đó là cách tu của mình.

Qua tuần thứ hai, mình chuyên thọ trì kinh Bổn môn Pháp hoa, bắt đầu suy nghĩ những lời dạy của Đức Phật để hiểu được lời dạy của Ngài và ứng dụng được trong cuộc sống của mình. Đây là phần cốt lõi của mùa tu gia hạnh.

Theo tôi, phần thí dụ trong kinh Pháp hoa chủ yếu Phật nói với loài người nhiều hơn, vì nói thí dụ là mượn việc này nói để chỉ cho mình hiểu được việc xa hơn, sâu hơn. Cho nên người tu theo kinh Pháp hoa phải nhìn xa vô lời Phật dạy, không phải chữ đâu nghĩa đó, nhưng phải thấy khác hơn.

Chúng ta đã học thí dụ cùng tử. Ngài Ca-diếp so sánh thân phận của ngài với Đức Phật, ngài nhận thấy ngài như là cùng tử, thì đối với chúng ta còn cách xa ngài Ca-diếp, vì ngài đã sạch nghiệp. Còn mình, nghiệp chướng, trần lao, phiền não còn nhiều. Từ điều này mà đem so thì tự biết mình cách đạo còn xa. Tuy nhiên, không vì thế mà nản chí, vì nương được công đức của Phật, của các bậc Thánh Tăng sẽ giúp mình tới được với Phật. Tới bằng cái gì? Tới bằng cái tâm. Đương nhiên thân mình, nghiệp mình không tới được, nhưng tâm của mình tới được với Phật.

Cho nên dùng tâm mà nghĩ tới Đức Phật để tới được với Đức Phật là điều quan trọng mà cốt lõi này ngài Ca-diếp muốn nói với chúng ta rằng khi ta tu, trở thành một người Phật tử, một người cao thượng, một người chân thật, chứ không phải là người hèn hạ. Phải nhớ điều này. Người hèn hạ không thể nào tới với Phật, người cao thượng mới tới với Phật được. Mặc dù thân phận chúng ta thấp kém, nhưng tâm chúng ta phải cao thượng. Tôi nói mình nghèo nhưng đừng hèn, có những người rất giàu nhưng họ hèn thì Phật không thọ dụng. Nghèo mà không hèn thì Phật thọ dụng được. Và khi được Phật thọ dụng, mình có cuộc sống khác rồi, tức mình không lệ thuộc cuộc sống vật chất, có cũng được, không có cũng không sao. Đời sống vật chất của mình rất đơn giản, vì mục tiêu của mình muốn có đời sống cao thượng để mình gần với Phật.

Không hèn, mình nỗ lực tu, nỗ lực làm, được Phật thọ dụng, mình sẽ làm được những việc mà trên đời này tự mình không thể làm được như vậy. Đây là kinh nghiệm của tôi, tất cả những việc mà tôi làm được là nhờ Phật cho. Được Phật thọ dụng thì mình được sử dụng gia tài của Đức Phật. Ý này trong phẩm Tín giải, Ca-diếp nói ngài được Phật phú chúc gia tài. Nghĩa là những gì của Phật, Phật giao cho mình sử dụng để mình làm thay cho Phật, là điều quan trọng nhất của người tu Pháp hoa. Thí dụ cùng tử của ngài Ca-diếp thưa với Phật như vậy.

Tiếp theo là thí dụ của Đức Phật gọi là Dược thảo dụ. Dược thảo là cây thuốc, thì dược thảo là chính, nhưng trong bản dịch chữ Hán của Cưu-ma-la-thập, ngài bỏ quên thí dụ này và ngài chỉ dịch thí dụ ba cỏ, hai cây.

Phật nói thí dụ ba cỏ hai cây là Phật xuất hiện trên cuộc đời này nhằm làm lợi ích cho tất cả mọi loài, không phải riêng cho loài nào, không phải riêng cho tầng lớp xã hội nào. Phật thí dụ Ngài chia xã hội ra thành ba loại cỏ. Cỏ nhỏ thí dụ cho chư thiên và loài người, họ vẫn ở trong sanh tử luân hồi, nhưng nhờ có Phật ra đời và nương theo Phật, họ vẫn phát triển căn lành được.

Thật vậy, như loài người tuy còn ở trong sanh tử luân hồi, nhưng nhờ tu theo Phật, mà đời đời chúng ta vẫn được sanh làm người. Vì mình ở trong pháp của Đức Phật, nên mình không sanh trong các đường ác. Đời này mình tu, sống đúng với tư chất của loài người mà Phật dạy, cũng như chư thiên sống đúng theo Phật dạy thì được Phật hộ niệm, đời sau dù còn trong sanh tử cũng sanh làm người nhưng là người tốt. Vì vậy, Phật ra đời, Ngài nhắm đến lợi ích cho chư thiên và loài người. Phật tử tu Pháp hoa nhớ giữ điều này, đừng cho mất, loài người tu phước để lên cõi trời và từ cõi trời xuống loài người, là đời đời qua lại chốn nhân thiên, đừng cho rớt xuống các loài hạ đẳng.

Chư thiên và loài người được lợi ích khi có Đức Phật xuất hiện, được xếp vào loại cỏ nhỏ vẫn ở trong sanh tử, vì cỏ vẫn là cỏ.

Nhưng cỏ bực trung, tuy là cỏ mà có tầm với cao hơn các loại cỏ kia, ví cho hàng Nhị thừa có chí hướng thượng, muốn ra khỏi sanh tử luân hồi. Mặc dù mình qua lại chốn nhân thiên cũng tốt rồi, nhưng đời đời làm như vậy cũng thấy chán, nên tu pháp cao hơn là tu Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, quan trọng nhất là giữ tâm thanh tịnh, đừng để trần duyên tác động, vì để mọi việc xung quanh tác động thì mình vẫn còn kẹt trong sanh tử. Trên bước đường tu, tôi đã thể nghiệm pháp này, sống chung với mọi người, nhưng tôi không quan tâm đến họ, họ muốn làm gì, nói gì là việc của họ, vì tôi thấy nói và làm như họ vẫn ở trong sanh tử luân hồi mà mình không thích.

Thực tế cho thấy có người thích yên tĩnh, có người thích nhiều chuyện. Người thích yên tĩnh là người có chí hướng thượng, muốn đi lên, ra khỏi sanh tử. Người nhiều chuyện còn kẹt trong sanh tử, nói nhiều lỗi nhiều, nói ít lỗi ít, thế nào cũng có lỗi, mà có lỗi thì phải ở lại đây thôi, nằm trong nhân quả.

Mình có cách sống là chánh niệm, trong tâm mình chỉ có niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Còn nghĩ chuyện này chuyện kia là tà niệm vẫn ở trong sanh tử. Chánh niệm thì ra khỏi sanh tử. Điều thứ nhất, lòng mình nghĩ tới Phật, nên được Phật hộ niệm, thứ hai nghĩ đến Pháp là sống với chân lý, thứ ba nghĩ đến Tăng là hòa hợp. Sống với Phật, Pháp, Tăng là ở trong thế giới Phật gọi là Tịnh độ. Thân của mình sống ở trần ai, nhưng tâm mình đặt vào Tịnh độ, người tu phải như vậy. Vì vậy, sống ở đây, nhưng mình nghĩ chỗ này là quán trọ mình ở tạm thôi. Sống một khoảng thời gian nào đó, rồi mình sẽ từ bỏ cuộc đời này. Cho nên mình sống với mọi người ở đây, nhưng mình đang nghĩ tới Phật và thế giới Phật thì khi chấm dứt thân này, nhất định mình sẽ đi vô thế giới Phật. Điều này nhiều người tu có kết quả thật.

Tôi hay nói về anh Minh Đức là bạn thân của tôi, anh là cư sĩ sống trong xã hội không làm mất lòng ai, không bị oan trái với ai, vì anh biết việc làm mất lòng, hay gây oan trái thì phải trả quả báo, tất nhiên còn kẹt trong sanh tử. Cố gắng tập sống không làm phiền ai, không nợ ai thì tâm mình được nhẹ nhàng lúc sống cũng như lúc ra đi.

Đạo hữu này có đặc biệt, trước khi chết lên thăm Hòa thượng Trí Tịnh, thưa rằng con đi về Phật trước thầy. Hôm sau, anh ngồi trước bàn Phật, lạy Phật rồi chết, không bệnh hoạn gì cả. Tôi nói anh này thân ở Ta-bà nhưng tâm đã an trú Tịnh độ.

Tu hành thường nghĩ tới Phật và thế giới Phật, không nghĩ thế giới này, như vậy lần lần tâm mình ở thế giới Phật thì khi mãn duyên thế giới này, mình về thế giới Phật. Đây là cách tu của cỏ bực trung.

Cỏ bực thượng mang chí lớn hơn, cũng ở trong thế giới này, cũng là loài người, nhưng tâm muốn ra khỏi sanh tử luân hồi và còn có tình thương rộng lớn đối với tất cả mọi người. Chỗ này Phật tử nên cân nhắc, mình không có ý định đi một mình, nhưng có ý định độ chúng sanh, nên đạo tràng Pháp Hoa chúng ta có cầu nguyện rằng quyết lòng tế độ chúng sanh muôn đời. Ý này là ý muốn làm Phật, vì mình thấy Phật độ tận chúng sanh, nên mình muốn làm theo Phật, cũng muốn độ tận chúng sanh. Điều này rất khó, phải có trí tuệ mới làm được.

Khi tôi còn trẻ, Hòa thượng Trí Tịnh nói với tôi rằng Trí Quảng có nghĩ ông thương chúng sanh hơn Phật hay không. Mình cũng thương chúng sanh, nhưng mình thương chúng sanh chưa bằng Đức Phật, nhưng sao Phật không độ, năng lực mình tới đâu mà đòi độ tận chúng sanh. Phải cẩn thận điều này, vì nhiều khi quyết tâm cao, nhưng chạm thực tế phũ phàng làm mình rớt xuống thấp hơn nữa. Thật vậy, đa số người làm từ thiện nhưng được một lúc thôi, sau đó không làm được nữa.

Phật dạy phải thấy chúng sanh, phải biết chúng sanh mới độ chúng sanh được. Không biết chúng sanh mà độ chúng sanh, coi chừng bị chúng sanh độ ngược lại, tức bị đọa. Đa số người trên bước đường tu, 99% bị đọa, tức là sai, vì không biết chúng sanh. Không biết chúng sanh nghĩa là không biết nghiệp của chúng sanh và phiền não của chúng sanh, vì chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não, ba thứ này gắn kết chặt chẽ với nhau.

Nhìn một người, mình phải thấy nghiệp của họ, thấy phiền não của họ và tự thấy mình có khả năng chế ngự phiền não của họ hay không, có khả năng khắc phục phiền não của họ hay không, không phải ai mình cũng độ được. Điển hình như Phật biết ông Vô Não là người điên, giết người một cách cuồng loạn và Phật cũng biết rõ Ngài độ được ông, nên Phật tới độ, thì vừa trông thấy Phật, ông liền buông dao, quỳ xuống, xin làm đệ tử.

Độ chúng sanh là tốt, nhưng phải biết chúng sanh, không biết chúng sanh mà độ chúng sanh coi chừng mình bị hại. Và biết chúng sanh rồi, mình cũng biết cách tháo gỡ phiền não của họ. Còn mình biết không làm được thì không làm. Ý này trong kinh Pháp hoa, Phật nói thệ nguyện an lạc, tức biết rồi, nhưng bây giờ chưa làm được thì để đó. Mình vẫn nuôi tình thương đối với họ, nhưng chờ khi nào có điều kiện độ được thì mình tới độ.

Sống trên cuộc đời hành Bồ-tát đạo theo Phật, mình cần giúp người, chắp gối cho họ đứng dậy để mình có thêm người bạn. Vì tu Đại thừa, một mình không thể làm được việc, cần phải có bạn, nhưng bạn này là bạn tốt. Mình độ được nhiều người trở thành tốt, trở thành quyến thuộc Bồ-đề của mình, tức họ hiểu mình và mình hiểu họ, thì họ hết lòng hợp tác với mình mới làm được việc lớn. Tìm bạn tri thức để độ là nghĩa này. Còn không được như vậy, thì đi một mình ra khỏi sanh tử là cách tu của Thanh văn.

Cỏ bực thượng ra khỏi sanh tử luân hồi là việc chính, nhưng trên đường đi, mình gặp những người có nhân duyên với mình, mình cũng tìm cách dìu dắt, giúp đỡ họ để họ cùng đi lên với mình.

Còn các Bồ-tát lớn ví như cây vượt lên trên cao rồi, như Bồ-tát Quan Âm, Đại Thế Chí, Địa Tạng… Nhưng mình tu có tâm thương người, có ý muốn giúp đỡ mọi người thì mình mới được các vị Bồ-tát lớn giúp đỡ, hợp tác với mình. Điều này tôi thấy rất rõ, tôi không làm được, nhưng nhờ các Bồ-tát lớn trợ lực, nên tôi làm được. Tại sao các Ngài trợ lực? Vì tâm của tôi giống các Ngài. Các Ngài là Bồ-tát lớn, mình là Bồ-tát mới phát tâm làm, mình có tâm muốn làm, làm thay cho các Ngài thì các Ngài sẽ hỗ trợ mình, nên mình làm được những việc của Bồ-tát làm. Vì vậy, kinh Pháp hoa nói có Bồ-tát mười phương và Bồ-tát tùng địa dũng xuất vô hình, mình không thấy được, nhưng nếu mình có tâm Bồ-tát thật sẽ được các Ngài âm thầm giúp đỡ khiến mình thành tựu những việc mà bình thường không làm được.

Đây là ý nghĩa của ba cỏ hai cây, vì có Đức Phật ra đời thì có việc cho các Bồ-tát làm, có việc cho chúng ta là Bồ-tát nhân gian làm và các Ngài cũng hỗ trợ cho chúng ta làm, cho nên Phật pháp mới phát triển được.

Phật nói Ngài ra đời làm lợi ích cho tất cả mọi người, được lợi ích gần nhất là chúng nhân thiên trước, kế là hàng Nhị thừa cũng được lợi ích và Bồ-tát nhân gian cũng được hưởng lợi lạc, đồng thời các Bồ-tát lớn ở thế giới khác cũng tới, kinh Pháp hoa nói có nhị vạn, bát vạn, bát thập vạn ức na-do-tha Bồ-tát tới.

Tu Pháp hoa, nhận được lý này, mình cảm thấy không bị đơn độc. Riêng tôi, lúc mới tu Pháp hoa, tụng kinh một mình trong đêm khuya, nhưng tôi cảm giác có nhiều người chung quanh, cảm giác có nhiều người hỗ trợ, nên mình mới làm được Phật sự.

Đây là thí dụ thứ nhất Phật nói Ngài xuất hiện trên cuộc đời vì lợi ích cho tất cả. Thí dụ thứ hai là dụ người mù từ thuở nhỏ. Dụ này trong kinh Nguyên thủy đã có, nhưng qua kinh Pháp hoa lặp lại, nói ý cao hơn. Dụ có một anh mù từ lúc mới sanh ra, không biết màu sắc, ai nói gì anh cũng không nghe, chỉ cho người không có niềm tin. Vì Phật nói mình từ thế giới nào đó sanh lại thế giới loài người này và mang thân tứ đại ngũ uẩn vô rồi, mình trở thành người mù trước chân lý, tức mình chỉ thấy, chỉ biết qua năm giác quan của mình thôi. Còn những cái khác, mình hoàn toàn không biết, các loại hình thế giới khác mình không biết, thế giới của Phật, Bồ-tát, chư thiên, mình đâu biết được. Mình chỉ biết thế giới loài người thôi, vì mình bị nhốt trong thân tứ đại ngũ uẩn này. Bị ngũ uẩn ngăn che không biết ví như mình mở mắt chào đời bị mù luôn.

Phật dạy mình nên suy nghĩ trước khi ra đời, mình là ai, còn mình đang sống đây thì ai là mình và mai kia bỏ thân tứ đại ngũ uẩn, mình là ai? Mình không biết con người thực của mình, mà chỉ biết thân này là mình và chỉ chấp thân này là mình, chấp sở hữu này là mình, chấp thế giới này là mình, nhưng những cái này không thật, vì sớm muộn gì mình cũng phải bỏ nó.

Đức Phật ra đời kiếm các vị thuốc chữa bệnh mù trước chân lý cho mọi người. Bài thuốc thứ nhất để chữa là thiền Tứ niệm xứ, vì áp dụng thiền Tứ niệm xứ, cái thấy của mình bắt đầu khác. Trước khi áp dụng thiền Tứ niệm xứ, chỉ thấy thân này là mình, nhưng áp dụng Tứ niệm xứ, trước hết, quán thân bất tịnh thấy thân này là thùng phân biết đi, là tổ hợp vi trùng, là nơi chất chứa tất cả bệnh tật. Quán thấy thân không phải là mình. Thực tu nội quán thấy thân này từ cuống họng xuống bao tử, tim, gan, phèo, phổi… thật đáng sợ. Thấy thân bất tịnh, mình nhàm chán thân này, không quan tâm chăm sóc nó, không đặt vấn đề với nó nữa. Còn mình bị nó ràng buộc, ngăn che làm mình mờ tối, nhưng mình ghê tởm nó, bỏ nó, nó không ảnh hưởng mình nữa, nên tâm mình sáng lên được.

Phật nói vì mình quá tham lam, nên tâm trở thành đen tối mới làm việc tội lỗi. Quán thân bất tịnh để không tham đắm thân người và thân mình.

Thứ hai, quán thọ là khổ. Ở trên cuộc đời này, người ta hay kẹt ở cảm thọ. Cảm thọ rất quan trọng, vì từ cảm thọ dẫn tới tạo nghiệp. Thọ là khổ, dù lạc thọ cũng là nhân của khổ. Thí dụ người nghiện rượu, hay nghiện thuốc lá, họ uống được ly rượu, hút được điếu thuốc, cảm thấy sung sướng, nhưng họ sẽ bị nghiện rượu, nghiện thuốc lá thì khi không có rượu, không có thuốc lá, họ khổ sở vô cùng. Mình không có nghiệp này, nên không bị nghiệp này hành hạ.

Biết thọ là khổ, nên không thọ, tức xả thọ. Mọi việc trên cuộc đời này mình cho nó qua, không cần, bỏ được cái nào mình bỏ, đừng để cưu mang vô, đừng để vướng bận, vì càng vướng bận nhiều chừng nào càng khổ chừng đó, cuối cùng như mối tơ vò không tháo ra được. Ở trong sanh tử luân hồi, kẹt cái này rồi cái kẹt cái kia, nên Phật dạy thọ là khổ. Trong thâm tâm tôi khi đi tu cứ nghĩ ở đây là quán trọ. Qua một đêm mình ở trong quán trọ này, ngày mai sáng lên là mình đi, tức ngày mai mình bỏ thân này thì linh hồn mình đi. Mình ở trong thân này tạm một đêm thôi, gọi là đêm dài sanh tử.

Chui vô thân này từ khi sanh đến khi chết, mình thấy tối đen, bao nhiêu khổ lụy dồn vô thân này. Ý thức sâu sắc như vậy mình xả lần, cho đến không vướng bận bất cứ cái gì trên cuộc đời này nữa, không thọ thì không khổ.

Mọi việc luôn biến đổi, nên phải thấy được sự thật ngay lúc đó làm được cái này, nhưng thời gian trôi qua, cái này là quá khứ, không làm được nữa. Vô thường là luôn biến đổi, mình hãy sống thực tế, bây giờ và ở đây mình làm được việc gì thì nên làm ngay, đừng để lát nữa không làm được đâu.

Thứ ba là tâm vô thường. Vì hay chấp nên mình hay khổ. Ai nói cái gì, ai làm cái gì, mình cứ chấp vô cái đó, nhưng mình không thấy được chân lý. Chân lý luôn diễn biến không ngừng, mình muốn nó ngừng sao được.

Bây giờ người ta thương, muốn cho mình mượn tiền, nếu quý vị cần thì mượn, không cần cũng mượn làm chi cho mang nợ. Nhưng đến khi mình cần thì mượn, họ lại từ chối làm mình khó chịu. Phật nói tâm vô thường, giờ trước cái tâm như vậy, nhưng giờ sau, tâm khác rồi, hoàn cảnh thay đổi.

Mọi việc luôn biến đổi, nên phải thấy được sự thật ngay lúc đó làm được cái này, nhưng thời gian trôi qua, cái này là quá khứ, không làm được nữa. Vô thường là luôn biến đổi, mình hãy sống thực tế, bây giờ và ở đây mình làm được việc gì thì nên làm ngay, đừng để lát nữa không làm được đâu.

Cuối cùng là pháp vô ngã vì mọi việc không có thực thể, từ cái này biến hóa thành cái kia, cái kia biến hóa thành cái nọ. Mình cố chấp vô cái không thực sẽ làm mình khổ.

Như vậy, người tu Tứ niệm xứ sẽ rời tâm chấp trước thì cái thấy sẽ khác, sẽ đúng đắn. Thật vậy, người tham lam thấy khác, người hết tham thì thấy khác. Người bực tức thấy khác, người hết bực tức, họ thấy khác.

Đức Phật nói không tham, không bực tức thì mình thấy đúng lần và sống đúng lần, đương nhiên quả báo tốt đến với mình thôi.

Khởi đầu tu Tứ niệm xứ để ra khỏi sanh tử luân hồi, thì lúc đó, chỉ có cái tâm mình tịnh là thiện, tâm mình động là ác. Cho nên giữ chánh niệm là giữ cho tâm mình thật yên tĩnh, chỉ nghĩ tới Đức Phật Thích Ca bây giờ ở đâu và thế giới của Phật thế nào, hay ngài Xá Lợi Phất đang làm gì… Nhắm mắt lại nghĩ, mình hình dung được thế giới thật báo của Phật hiện ra, tất cả hàng Thánh chúng của Phật hiện ra.

Phật đang ở trong Tịnh độ và Ngài ở chung với hàng Thánh chúng, vì Thánh chúng là Bồ đề quyến thuộc của Phật, tức những người hiểu được Phật, quý trọng Phật thì Phật ở đâu, các Ngài đều đi theo đến đó để tạo công đức dưới sự hướng dẫn của Phật.

Cho nên người tốt, người giỏi ở đâu, chỗ đó trở thành Tịnh độ. Điển hình như Đức Phật A Di Đà khi về ẩn tu ở Cực lạc có một mình thôi, nhưng một thời gian sau, có Bồ-tát Quan Âm đến ở chung, vì Quan Âm là quyến thuộc của Đức Phật A Di Đà, nghe nói Phật A Di Đà về Cực lạc ở phương Tây thì ngài cũng đi tìm đến đó. Rồi Bồ-tát Đại Thế Chí, Thường Tinh Tấn cũng tới đó. Đức Phật A Di Đà đi giáo hóa chúng sanh rồi về đây nghỉ ngơi, gọi là chỗ an dưỡng thôi. Nhưng chỗ an dưỡng có nhiều người tốt, nhiều người giỏi quá thì nơi đó trở thành Cực lạc.

Tu được là sử dụng được thuốc Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phần, Bát chánh đạo, hoàn tất 37 trợ đạo phẩm. Và sử dụng được thuốc này liền được sáng mắt, thế giới Đức Phật Thích Ca hiện ra. Khi Phật nhập diệt ở thế giới này, Ngài trở lại thế giới của Ngài là thế giới thật báo trang nghiêm Tịnh độ.

Thế giới thật báo là thế giới thực mà mình đang hướng tâm đến, còn thế giới này là mình tạm thời tạo nên. Cái thực của mình là tài năng mình có thì mình ở chỗ nào, chỗ đó phải tốt.

Phật nói thế giới thật báo của Phật kết hợp bằng phước đức và trí tuệ. Người có phước đức, trí tuệ ở chỗ nào, chỗ đó trở thành thế giới hoàng kim. Người hung ác tội lỗi ở chỗ nào, chỗ đó trở thành địa ngục.

Tụng kinh Pháp hoa, phẩm Như Lai thọ lượng, Đức Phật tiêu biểu cho vị đại lương y đã chế ra lương dược cứu độ tất cả những người có duyên lành với Ngài và các anh cuồng tử uống thuốc này được sáng mắt ra, thấy cha mình vẫn còn sống, không chết.

Tóm lại, chúng ta cố gắng uống thuốc Pháp hoa thì tâm mình trong sáng lên, thân mình tinh khiết như hoa sen, tâm mình như viên ngọc quý thì mình thấy được thế giới Phật, thấy Đức Phật vĩnh hằng bất tử. Đó là điều quan trọng của người tu Bổn môn tìm về cội gốc của Đức Phật đang an trụ, để được Đức Phật xoa đầu thọ ký cho mình tiếp tục lộ trình Bồ-tát đạo, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của Như Lai làm lợi ích cho muôn loài mọi giới.

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC