Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Tin tức
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 01/06/2024 12:10 PM 
Hà Nội: Trang nghiêm Lễ khai pháp khóa an cư kiết hạ PL.2568 tại Trường hạ Bồ Đề
Thực hiện tinh thần thông tư của TW Giáo hội và công văn hướng dẫn của BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, ngày 1 tháng 06, nhằm ngày 25 tháng 04 năm Giáp Thìn, tại Tổ đình chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), toàn thể Tăng Ni quận Long Biên và huyện Gia Lâm đã trang nghiêm tổ chức lễ khai pháp an cư kiết hạ PL.2568 – DL.2024.

Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh và chủ trì của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, Đường chủ của trường hạ và 128 hành giả Tăng Ni cùng sự tham dự của đông đảo Phật tử.

Trước khi bắt đầu lễ khai pháp, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng chư Tôn đức Tăng Ni trong Trường hạ đã thành tâm vọng bái Đức Đệ Nhị Pháp Chủ và Đức Đệ Tam Pháp Chủ GHPGVN.

Sau đó, đại chúng đã ra làm lễ Hòa thượng Đường chủ và Ban giảng sư để cung thỉnh ban giảng sư thùy từ hứa khả giảng pháp cho 3 tháng hạ an cư tại tổ đình Bồ Đề.

Trong ba tháng hạ, đối với Phật giáo miền Bắc sẽ kết hợp giữa việc Tu và Học. Tu là hành trì ngày đêm 6 thời chuyên tâm tu tập, Học là khai giảng vô thượng Pháp bảo. Mỗi năm, trường hạ chọn một bộ sách trong Tam Tạng Thánh Giáo để giảng ở Đại trường cho đại chúng cùng nghe vào các buổi sáng. Luật tạng sẽ giảng riêng. Còn Kinh Tạng và Luận Tạng sẽ giảng lợi ích cả 7 chúng. Truyền thống đó được giữ gìn từ trước tới nay. Năm nay, Phật giáo Hà Nội quyết định chọn bộ "Sám Nguyện Yếu Giải" do Đại sư Tuân Thức (964-1032) là danh tăng đời Tống biên soạn đã được Thượng tọa Luật sư Thích Tiến Đạt – Viện chủ chùa Đại Từ Ân (Hà Nội) dịch ra tiếng Việt nhằm lưu bố cho người đời sau kết duyên cùng pháp môn Tịnh Độ.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời pháp thoại đầu tiên của mùa an cư kiết hạ, theo nghi thức cổ truyền “bình văn giảng nghĩa” như chư Tổ đã dạy. Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng về nội dung cốt yếu tóm tắt của bộ "Sám Nguyện Yếu Giải".

Hòa thượng chia sẻ "Ngài Tuân Thức xuất thân Lâm Hải, Đài Châu (Ninh Hải, Triết Giang), họ Diệp, tự là Tri Bạch. Ngài theo xuất gia với Thiên Thai Nghĩa Toàn, năm 18 tuổi xuống tóc, đến năm 20 tuổi thọ Cụ Túc giới tại Thiền Lâm Tự và năm sau trở về chùa cũ học Luật. Ngài thường đốt nóng tay mình trước tượng Phổ Hiền, thề nguyện sẽ truyền bá giáo pháp Thiên Thai. Vào năm đầu (984) niên hiệu Ung Hy, Ngài theo Nghĩa Thông ở Bảo Vân Tự học các thư tịch của Thiên Thai Tông, thông hiểu tận cùng áo nghĩa và cùng với Tri Lễ của Phái Sơn Gia, trở thành nhân vật trung tâm. Năm 28 tuổi, Ngài tuyên giảng các kinh Pháp Hoa, Duy Ma, Niết Bàn, Kim Quang Minh, v.v., ở Bảo Vân Tự, rồi tập trung tăng tục chuyên tu Tịnh Độ. Vào năm đầu (1022) niên hiệu Càn Hưng đời vua Chơn Tông, Ngài được ban hiệu là Từ Vân. Đến năm đầu niên hiệu Minh Đạo đời vua Nhân Tông, Ngài thị tịch, hưởng thọ 69 tuổi. Soạn thuật và trước tác của Ngài rất nhiều như Đại Di Đà Kinh Sám Nghi, Tiểu Di Đà Sám Nghi, Vãng Sinh Tịnh Độ Sám Nguyện Nghi, Kim Quang Minh Tam Muội Nghi, Đại Thừa Chỉ Quán Thích Yếu, Triệu Luận Sớ Khoa, Kim Viên Tập, Thiên Trúc Biệt Tập, v.v. Vì Ngài là người đã soạn ra rất nhiều nghi thức sám hối, nên được gọi là Bách Bản Sám Chủ, Từ Vân Tôn Giả, Linh Ứng Tôn Giả, Thiên Trúc Sám Chủ. Sau này Ngài còn được truy tặng hiệu Pháp Bảo Đại Sư, Sám Chủ Thiền Tuệ Pháp Sư".

Một trong những bộ về pháp môn Tịnh Độ mà Ngài để lại là bộ Sám Nguyện Yếu Giải. Đây còn được gọi là bộ Vãng Sinh Tịnh Độ Sám Nguyện Nghi. Bộ này giải thích về phép Sám hối, phát nguyện mà người hành giả cần thực hành để được thành tựu sở nguyện vãng sinh an lạc quốc. 

Sau đó, Hòa thượng mong muốn chư Tôn đức Tăng Ni trong mùa an cư sẽ cố gắng sắp xếp công việc trụ xứ để cấm túc an cư, chiêm nghiệm giáo pháp để tu học, túc liễm thân tâm, trau dồi Giới - Định - Tuệ.

Nhân đây, Hòa thượng cũng sách tấn các Phật tử nên dành thời gian để trở về trường hạ an cư lễ Phật, nghe Pháp và hộ trì chư Tăng để cả thân và tâm đều lợi ích. Từ công đức và năng lượng tu tập đó để hồi hướng cầu an cho xã hội và gia đình, cầu siêu cho cửu huyền Thất Tổ trong nhiều đời nhiều kiếp, như vậy âm dương đều lợi lạc.

Buổi lễ khai pháp đã hoàn mãn trong niềm hoan hỷ của toàn thể hội chúng.

Diệu Tường

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC