Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.
   
 
Hoạt động Phật sự › Hoạt động Phật sự
 
Chia sẻ trên Facebook   Twitter bài viết này   Chia sẻ trên Google

Ngày đăng: 12/08/2024 14:29 PM 
Ngày tu an lạc tháng 7 năm Giáp Thìn tại chùa Bằng - Hà Nội
Ngày 12/8/2024, nhằm ngày 8/7/Giáp Thìn, tại chùa Bằng - Linh Tiên tự (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã diễn ra ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng với sự tham dự của đông đảo Phật tử gần xa.

Đúng 7h30, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và đăng đàn truyền giới cho các hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.

Sau đó, đại chúng cung thỉnh Hòa thượng  Thích Khế Chơn – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử TW, Trưởng BTS GHPGVN Tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trụ trì chùa Thiên Minh – Huế quang lâm thuyết giảng đề tài "Ý nghĩa ngày Rằm tháng Bảy".

Hòa thượng nêu rõ, Rằm tháng Bảy là ngày thiêng liêng, trọng đại, nhắc nhở chúng ta nhớ đến ngày Tự Tứ của Chư Tăng Ni sau ba tháng an cư kiết hạ, rèn luyện thân tâm theo chính pháp, làm cho hạnh nguyện của mình dần dần trở nên hoàn hảo, không bị thối chuyển mục đích giải thoát cao thâm, khỏi bị lùi tâm trên đường tu hành đầy những chông gai hiểm trở.

Đây chính là giờ phút các vị Tăng Ni tự kiểm thảo tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của mình để rồi hân hoan lĩnh thọ thêm một tuổi đạo, tuổi của đức hạnh, của sự tinh tiến trên bước đường tu học. Nếu Tết Nguyên Đán là ngày vui của mọi người được thêm một tuổi đời, thì lễ Vu Lan là ngày lễ của Chư Tăng Ni được thêm một tuổi đạo.

Thực chất Vu – Lan chính là sự kết hợp của tự lực với tha lực, từ bi với trí tuệ, tu và học, tri và hành đi đôi, đó là điều kiện tất yếu để đi đến giải thoát.

Cũng ngày này, cách đây trên 2500 năm lịch sử, đức Mục Kiền Liên nặng lòng hiếu đạo đã cứu mẹ hiền thoát khỏi vòng trầm luân cơm lửa khổ đau. Bà đã được sinh về cảnh giới an lành, nhờ sức gia trì chú nguyện của thập phương Đại Đức Chúng Tăng và lòng hiếu thảo của đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Bên cạnh những giá trị hùng tráng của một triết lý siêu việt và vĩnh cửu, Đạo Phật cũng đã gần gũi đi vào cuộc sống dân tộc bằng một phong thái dung dị, hòa ái đậm đà – Quê hương Việt Nam đã đón nhận dòng suối mát đạo lý ấy như đón thở khí trời thoải mái và khoáng đạt. Vu Lan với lòng báo ân cha mẹ chính là dấu hiệu chứng tỏ sự dung hợp gắn bó giữa giá trị luân lý ngát thơm đạo vị với trái tim tình ái quê hương.

Sau đó, Hoà thượng nêu lên ý nghĩa Bản kinh Vu lan và đề cập đến Tứ nhiếp Pháp để thực hiện tình thương và giữ gìn nếp sống hạnh phúc. Hoà thượng nhấn mạnh, ai cũng muốn sống trong tình thương. Đây là sự thực tập chứ không phải cầu mong mà được. Bốn phương pháp này không chỉ áp dụng cho mỗi cá nhân mà còn đúng cho cả những tập thể. Nơi nào làm được những điều trên thì tập thể đó sẽ vững mạnh và những thành viên trong tập thể đó sẽ quý trọng, thương yêu nhau và lan toả tình thương, tình yêu, những chân giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.

Cuối cùng Hòa thượng nhắc lại Hiếu hạnh trong Đạo Phật được quan niệm một cách cứu cánh và siêu việt về không gian và thời gian: Về thời gian là báo đền công ơn cha mẹ trong vô lượng, vô số kiếp và không gian là tất cả chúng sinh trong tam đồ lục đạo. Hơn nữa, hiếu là giới luật, là công đức của muôn nghìn công đức và tâm hiếu chính là tâm Phật, hạnh hiếu chính là hạnh Phật. Cho đến muốn cầu thành Phật Quả, hiếu dưỡng cha mẹ là việc làm đầu tiên. Tiền kiếp Đức Thích Ca rất nặng lòng hiếu đạo và xem là một công hạnh tiên quyết trong đạo làm người. Ngài không từ chối bất cứ một hy sinh nào miễn cha mẹ sống còn và mạnh khỏe, dù phải móc mắt để làm thuốc, moi tim để thế mạng, hoặc từ bỏ ngai vàng đế nghiệp để phụng dưỡng cha mẹ. Đức Phật đã dạy: “Nếu người nào mong cầu đạo giải thoát, mong cứu khổ chúng sinh hoặc mong đạt đến Thánh quả Vô Thượng, người ấy tuyệt đối phải hiếu kính với cha mẹ. Người con chí hiếu sẽ thành tựu được các hạnh lành”. Chính Phật ngôn này đã trở thành một “Thông điệp hiếu kính” mà Đức Phật đã gửi cho nhân loại cách đây trên 2500 năm lịch sử.

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng giảng sư, đại chúng tiếp tục bước vào thời khóa tụng Bổn Môn Pháp Hoa kinh. Đầu giờ chiều là thời tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa quyển thứ 6 để cầu nguyện Quốc thái dân an, Phật pháp xương minh, khép lại ngày tu bát quan trai tràn đầy hỷ lạc.

Diệu Tường

Chia sẻ trên:   

Chia sẻ trên Facebook  Twitter bài viết này  Chia sẻ trên Google      
 
CÁC BÀI VIẾT KHÁC